Yêu cầu cấp bách
Theo TS Vương Thị Bích Thủy - Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: Thực tế tồn tại phổ biến nhiều năm qua ở Việt Nam là học sinh (HS) phổ thông không thua kém về tư duy sáng tạo so với HS các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường giáo dục đại học (ĐH) thì sinh viên (SV) Việt Nam sau khi tốt nghiệp lại thua kém rất xa so với SV ở các nước phát triển.
Theo một số nhà nghiên cứu thì năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng; sự tụt hạng xảy ra ở cả 3 tiêu chí chính: Trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của giáo dục ĐH.
Những thực tế này phản ánh chất lượng giáo dục ĐH của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.
TS Vương Thị Bích Thủy cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là phương pháp dạy học còn lạc hậu, nặng nề về thông báo và truyền thụ tri thức lý thuyết một chiều mà chưa chú ý phát triển năng lực người học, chưa coi trọng khả năng tự học, tự nghiên cứu và quá trình trải nghiệm sáng tạo để hình thành năng lực, thái độ và kĩ năng cho người học.
Trong khi đó, đổi mới phương pháp dạy học không phải là nhiệm vụ mới mà đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn đang đứng trước thực tế, một bộ phận giảng viên còn yếu về phương pháp, vẫn dạy học theo cách cũ, còn tình trạng đọc chép, thầy chiếu trò ghi... Cách dạy này đã làm cho SV thiếu chủ động, làm triệt tiêu tính cách năng động, hạn chế tư duy sáng tạo của người học.
Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho người học là một yêu cầu cấp bách, là việc phải làm trong quá trình đổi mới giáo dục và chuẩn bị bước vào thực hiện CT GDPT mới.
Người thầy đóng vai trò quyết định
Mục đích lớn nhất và quan trọng nhất của quá trình dạy học là hướng người học đến tự chiếm lĩnh và sáng tạo ra những tri thức mới. Vì vậy, đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực yêu cầu giảng viên phải dạy cách học, tức là biết cách sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Điều mà SV thiếu nhất và cần phải khắc phục sớm là phương pháp học tập khoa học và cách nghiên cứu độc lập. Điểm yếu của SV là đi theo lối mòn sách vở. Mặt khác, trong cách học của SV thiếu độc lập suy nghĩ, ít tìm tòi, không dám phản biện…
Những hạn chế này không hẳn do SV, mà do hệ thống giáo dục nói chung và phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa tạo điều kiện giúp cho họ khắc phục những điểm yếu đó. Người thầy phải khuyến khích động viên SV chia sẻ thông tin, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Đây chính là cách tốt nhất để người thầy giúp SV đổi mới phương pháp học tập.
Mặt khác, đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực không mâu thuẫn với quan niệm truyền thông về vị trí chủ đạo, về vai trò quyết định của người thầy mà đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với sự nỗ lực của họ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Người thầy không thể chỉ nói những gì họ đã biết mà phải hướng dẫn SV khả năng tiếp cận tri thức hiện đại, những điều mà bản thân người thầy có thể gặp giới hạn. Vì vậy, để vượt qua khó khăn này, bên cạnh việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, người thầy phải tích cực tự học và tăng cường công tác nghiên cứu khoa học…
Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực yêu cầu người thầy phải biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đây là yêu cầu cần thiết đối với nhà giáo trong giáo dục hiện đại, nếu không có một ngoại ngữ thông dụng, sự hiểu biết của người dạy sẽ rất hạn chế. Thời đại ngày nay chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, lượng kiến thức của nhân loại ngày càng đồ sộ… người dạy phải giúp người học biết cách chọn nhập xử lý thông tin từ môi trường xung quanh để từ biển kiến thức rộng đó, người học tiếp thu những cái tinh túy nhất, bản chất nhất làm giàu cho vốn tri thức của mình…
Quá trình đổi mới phương pháp dạy học ở các trường ĐH theo định hướng phát triển năng lực cần được thực hiện mạnh mẽ và triệt để hơn. Muốn vậy, theo TS Vương Thị Bích Thủy các cấp quản lý nhà trường cần thực hiện tốt những yêu cầu như: Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực và hội nhập quốc tế. Nội dung chương trình và giáo trình cần được tổ chức xây dựng, thẩm định và triển khai theo hướng mở, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Cùng đó tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên ĐH đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Coi trọng việc tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giảng viên; coi trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và tập huấn về phương pháp dạy học tích cực (nhất là đối với giảng viên trẻ).
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Đây là yếu tố cốt lõi quyết định nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra uy tín, thương hiệu cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Giảng viên phải là người lao động khoa học nghiêm túc, hàng năm phải có đủ số giờ nghiên cứu khoa học theo quy định và công bố những kết quả nghiên cứu mới. Tăng kinh phí nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Hỗ trợ tối đa những phương tiện cần thiết cho quá trình đổi mới dạy và học…