Có niềm tin và tạo được niềm tin cho các học trò là điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại chương trình Gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 phối hợp với Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 28/5.
Được chứng kiến trực tiếp những chia sẻ về câu chuyện của các thầy cô đầy cố gắng và dũng cảm để “đi được tới những lớp học hạnh phúc”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ:
“Gần gũi, yêu thương, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, chân thành, thay đổi và hạnh phúc - nghe có vẻ không xa lạ nhưng đạt được một cách thực lòng, chân thành thì không phải điều dễ dàng.
Mọi thứ đều có thể thay đổi, điều quan trọng là suy nghĩ của mình là thay đổi để tốt hơn. Để hạnh phúc thì tại sao không thay đổi? Và ai cũng có thể thay đổi được. Nhưng quan trọng hơn là được những người xung quanh, đặc biệt là các thầy cô tin tưởng và có sự khích lệ, truyền cảm hứng thì sự thành công sẽ đến nhanh hơn”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với các giáo viên về sự thay đổi trong cách tiếp cận lớp học. Ảnh: Thanh Hùng. |
Bộ trưởng chia sẻ qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp càng ngày ông càng “ngấm” là phải có niềm tin.
“Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu như mất niềm tin thì không vượt qua được. Thậm chí là mất nhiều thứ, mất tất cả. Trong nghề giáo dục, nói không thì cũng đã khó rồi, vì nghề của chúng ta là nghề giảng bài. Nhưng ứng xử và hành xử bằng cái tâm của mình, mà thường nhiều người nói là đã vào nghề giáo phải có tâm huyết, năng khiếu”.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng kỷ luật là cần thiết, nhưng nếu thầy cô nào cũng phấn khích trong việc kỷ luật là thất bại.
Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận trên thực tế, rất nhiều thầy cô cũng muốn vươn lên, có sự tâm huyết với nghề và muốn thay đổi.
“Tôi nhớ một câu nói rằng thay vì nguyền rủa bóng đêm thì hãy thắp lên một que diêm. Từng bước từng phần khích lệ để rồi tạo nên không chỉ một giáo viên, một lớp hay một trường học hạnh phúc mà dần dần rộng hơn trong môi trường giáo dục và toàn xã hội”.
Theo ông Nhạ, chính các cán bộ quản lý giáo dục cũng phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi rất mạnh. Bởi đây là đội ngũ xây dựng chính sách về giáo dục và trực tiếp quản lý. Khi thay đổi tạo môi trường tốt cho các nhà trường thì các thầy cô sẽ cảm thấy hạnh phúc.
“Thậm chí tiến tới tại sao lại không nghĩ tới phụ huynh cũng phải cùng thay đổi. Rộng ra tôi mong muốn xã hội cùng thay đổi. Bởi tại sao chúng ta không nghĩ về một xã hội tốt đẹp hơn, nhiều sự yêu thương từ đó mới có sự bao dung. Nếu không có sự bao dung thì toàn phán xét, nhìn theo chiều hướng tiêu cực. Trong thực tế thì không ai hoàn thiện và phải luôn luôn thay đổi và chính sự thay đổi mới khơi dậy được bản sắc, sự khác biệt và sẽ là động lực”, ông Nhạ nói.
Với tư cách là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Nhạ nhìn nhận trách nhiệm của bản thân cũng như các cán bộ quản lý giáo dục là phải rất cụ thể, tạo môi trường thực sự để khơi dậy tâm huyết của các thầy cô chứ không phải chỉ bằng những chính sách hay phong trào. “Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc thì có lớp học hạnh phúc và điều đó cứ thế được nhân rộng ra. Ngành giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc”, Bộ trưởng Nhạ chia sẻ.