Phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo

Ngày 30/12/2005, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ GD&ĐT đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2005-2010 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của 2 bên, tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ, động viên tối đa tiềm năng sáng tạo của lực lượng khoa học công nghệ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp GD&ĐT, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo về công tác phối hợp, ông Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng VUSTA – cho biết: Thực hiện công tác phối hợp, hằng năm Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ có chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan vào chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, của ngành Giáo dục và tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

VUSTA đã phổ biến chương trình phối hợp hoạt động tới các liên hiệp hội địa phương, các hội ngành trung ương và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc có tham gia hoạt động đào tạo. Một số liên hiệp hội địa phương đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở GD&ĐT và phối hợp với hội khuyến học của tỉnh để đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xã hội hóa GD&ĐT tại địa phương.

Ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội thảo

Ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch VUSTA phát biểu tại hội thảo

Về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, VUSTA, Bộ GD&ĐT và các hội thành viên, đơn vị trực thuộc VUSTA đã tổ chức các diễn đàn tri thức, các hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến, phản biện cho một số chương trình và dự án về GD&ĐT do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng; nổi bật là về chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới; dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi); đổi mới đánh giá học sinh tiểu học…

Cũng trong thời gian qua, VUSTA đã bảo trợ và hỗ trợ kinh phí cho các hội thành viên tổ chức các kỳ thi Olympic sinh viên toàn quốc các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Cơ học, Tin học và Giải thưởng Loa Thành. Tổng kinh phí giai đoạn 2014-2018 là 1,8 tỷ đồng.

VUSTA đồng thời chủ trì, phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh niên, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc; từ năm 2004 đến nay đã 4 lần tổ chức, tôn vinh hàng ngàn các nhà sáng tạo trẻ.

Ngoài những hoạt động trên, hằng năm, VUSTA tiếp tục cấp học bổng cho HSSV nghèo, vượt khó học giỏi bằng các nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Bộ GD&ĐT, VUSTA đã cùng thảo luận sâu về kết quả đạt được, những nội dung còn tồn tại, hạn chế; từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm làm tốt hơn công tác phối hợp giữa 2 bên trong thời gian tới.

Đánh giá cao kết quả công tác phối hợp giữa VUSTA và Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt ấn tượng với việc triển khai nội dung phối hợp về tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phát hiện, bồi dưỡng HSSV tham gia các cuộc thi Olympic quốc gia, quốc tế cũng như các giải thưởng nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ của HSSV.

Thứ trưởng hy vọng, thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự tham gia của đội ngũ các nhà khoa học trong Liên hiệp hội; đặc biệt trong xây dựng luận cứ khoa học để ban hành chính sách về GD&ĐT.

Sau hội thảo này, Bộ GD&ĐT và VUSTA sẽ cùng cụ thể  hóa nội dung phối hợp của năm 2020; chuẩn bị để ký kết chương trình phối hợp cho giai đoạn mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ