Sáng nay (9/10), Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đăng cai tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2024 với chủ đề "Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm - AFS2024".
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Tiền Giang, Trường ĐH Cần Thơ; và các đơn vị đồng hành Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, hội thảo năm nay đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp. Theo đó, hội thảo có gần 150 báo cáo trình bày diễn ra tại phiên toàn thể hội nghị và 5 tiểu ban với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, trong đó có các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu,... trên cả nước.
"Hội thảo lần này thực sự là một diễn đàn khoa học công nghệ quy mô lớn. Đây cũng là một sự kiện vô cùng ý nghĩa và quan trọng, không chỉ đối với Nhà trường, mà còn đối với toàn bộ ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam trong bối cảnh mà nhu cầu về an ninh lương thực và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết" - PGS.TS. Trần Thị Hồng khẳng định.
Cũng theo PGS.TS. Trần Thị Hồng, thế giới ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, áp lực gia tăng dân số, và sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến nền nông nghiệp và khả năng đảm bảo an ninh lương thực.
"Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không nằm ngoài những tác động đó. Chính vì vậy, yêu cầu về phát triển một nền nông nghiệp bền vững không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành một đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người dân, và cũng là để bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau" - PGS.TS. Trần Thị Hồng chia sẻ.
"Hội thảo Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm - AFS2024 cung cấp một diễn đàn khoa học công nghệ để chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm, thảo luận các thách thức và giải pháp trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao an toàn thực phẩm" - GS.TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nói.
Năm nay, hội thảo thu hút nhiều báo cáo khoa học giá trị từ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, về các giải pháp công nghệ mới nhất, từ việc ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cho đến việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững và kinh tế tuần hoàn. Đây là những hướng đi mới, mở ra nhiều triển vọng phát triển, giúp ngành nông nghiệp không chỉ tăng năng suất mà còn thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe con người.
"Một trong những điểm nổi bật của hội thảo năm nay là việc tập trung vào việc tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và phát triển nguồn nguyên liệu mới. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên mà còn mở ra cơ hội tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới với giá trị gia tăng cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững" - PGS.TS. Trần Thị Hồng nói thêm.
PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, thực phẩm Việt Nam, cho hay, các nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
"Những phát hiện và đề xuất này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với khu vực ĐBSCL mà còn cung cấp những bài học quý giá cho việc phát triển nông nghiệp bền vững trên phạm vi rộng hơn. Các kết quả nghiên cứu này tạo nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp cụ thể nhằm xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, bền vững và có khả năng thích ứng với những thách thức trong tương lai" - PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm nói.