Khai thác thế mạnh từ tài nguyên đất, phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Đắk Lắk

GD&TĐ - Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên với đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Đắk Lắk có thế mạnh để phát triển nông nghiệp bền vững.

Huyện Krông Pắc chuẩn bị cho Lễ hội sầu riêng 2024. (Ảnh: TT)
Huyện Krông Pắc chuẩn bị cho Lễ hội sầu riêng 2024. (Ảnh: TT)

Định hướng bằng chính sách dài hơi

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là một trong những địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước với 1.191.514ha.

Thế mạnh của Đắk Lắk nằm ở hàng trăm nghìn hecta đất đỏ bazan màu mỡ cùng khí hậu ôn hòa, nguồn nước tưới phong phú... Đây là điều kiện lý tưởng để địa phương này phát triển nền nông nghiệp với nhiều sản sản chủ lực của quốc gia như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng...

Nhằm hoạch định chiến lược dài hơi và mang tính ổn định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế của địa phương.

A3.jpg
Từ cây trồng xen để ăn và làm quà, sầu riêng trở thành "cây triệu đô" giúp hàng ngàn nông dân huyện Krông Pắc đổi đời. (Ảnh: TT)

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, hiện nay, địa phương đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt trên cơ sở tiềm năng, lợi thế từng vùng.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển một số các loại cây trồng chủ lực hình thành các vùng nguyên liệu làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Đắk Lắk cũng đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay sầu riêng ở 2 huyện: Krông Pắc, Cư M'gar đã được cấp mã vùng. Loại cây này cũng trở thành cây "triệu đô", giúp hàng ngàn nông dân vươn lên làm giàu: "Minh chứng rõ nhất, chỉ riêng niên vụ 2023 vừa, hàng ngàn nông dân huyện Krông Pắc đã mua mới hơn 1.000 ô tô các loại và hơn 10 ngàn mô tô. Điều đó đã thể hiện tính đúng đắn trong hoạch định chính sách phát triển vùng của lãnh đạo tỉnh".

Theo quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg) cũng nêu rõ: "Phương hướng phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh là xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh. Triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Duy trì và mở rộng các làng nghề truyền thống hoa, cây cảnh, dệt thổ cẩm, đan lát gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk...".

A1- A Dương.png
Ông Nguyễn Hoài Dương (ngoài cùng bên trái) kiểm tra thực tế 1 vườn sầu riêng ở huyện Krông Pắc. (Ảnh: CTV)

Phát huy thế mạnh từng vùng

Để bảo đảm khai thác hết thế mạnh đất đai, tỉnh Đắk Lắk tổ chức không gian trồng trọt thành 5 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng bình nguyên Ea Súp, phát triển các vùng chuyên canh các loại cây: điều, lúa nước, cây ăn quả, dược liệu; tiểu vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột - Ea H’leo, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa với các loại cây dài ngày: cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng; tiểu vùng đồi núi và cao nguyên M’Drắk, phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp: ca cao, cây ăn trái và trồng rừng; tiểu vùng đồng bằng sông Krông Ana - Sêrêpốk, phát triển các vùng chuyên canh sản xuất lương thực tập trung: Lúa, ngô; tiểu vùng núi cao Chư Yang Sin, phát triển các hoạt động khai thác kinh tế từ lâm nghiệp, nông lâm kết hợp.

Là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh, huyện Krông Pắc xác định, đây là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, toàn huyện hiện có 32.914ha diện tích cây lâu năm gồm cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả các loại.

Trong đó diện tích cây sầu riêng hơn 7.000ha, lớn nhất tỉnh. Sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt khoảng 70.000 tấn. Số diện tích sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu tổng số 34 mã với diện tích 2.015ha của 3.761 hộ. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện có 13 cơ sở.

A1---.jpg
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng niên vụ 2023-2024. (Ảnh: TT)

"Hiện nay cây sầu riêng được xác định là cây trồng chính, chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế của huyện. Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắc đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “KRONG PAC DURIAN SẦU RIÊNG KRÔNG PẮC” cho tập thể Hội Nông dân huyện theo quyết định số 16552/QĐ-STT. Từ loại cây chỉ trồng xen canh để sử dụng và làm quà, đến nay sầu riêng Krông Pắc lan tỏa khắp 5 châu, trở thành cây triệu đô. Tháng 8/2024, huyện sẽ tổ chức Lễ hội sầu riêng lần thứ 2", bà Trinh nói.

Cũng theo bà Trinh, với việc được mùa sầu riêng, trong năm 2023 vừa qua, người dân trên địa bàn huyện đã mua mới hơn 1.000 ô tô các loại.

HH.jpg
Hoa hậu du lịch Việt Nam năm 2024 Đinh Thị Hoa làm đại sứ truyền thông Lễ hội sầu riêng huyện Krông Pắc năm 2024. (Ảnh: TT)

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, để hoàn thành mục tiêu Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động; rà soát, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực để phát triển ngành nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ tác động của thiên tai, dịch bệnh...

Năm 2023, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 22.398 tỷ đồng (tăng 4,88% so với năm 2022 và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước). Trong đó, có những mặt hàng nông sản tăng trưởng mạnh như cà phê, sầu riêng. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng được đẩy mạnh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.