Gần 1 triệu lượt người học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng Thanh Hóa

GD&TĐ - Ngày 31/3, Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2020-2021 trung tâm học tập cộng đồng.

Lãnh đạo SGD&ĐT Thanh Hóa trao Bằng khen cho các Trung tâm HTCĐ có thành tích xuất sắc.
Lãnh đạo SGD&ĐT Thanh Hóa trao Bằng khen cho các Trung tâm HTCĐ có thành tích xuất sắc.

Dự hội nghị có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa,  Phòng Giáo dục các huyện, thị xã, thành phố và đại diện các Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) trong toàn tỉnh.

Năm học 2020-2021, công tác giáo dục của Trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến nay, công tác xây dựng, củng cố Trung tâm HTCĐ đã thực hiện ở tất cả 559/559 xã, phường, thị trấn.

Các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn đã kiện toàn cơ cấu tổ chức ở 559 Trung tâm HTCĐ ở cấp xã và có con dấu riêng. Đặc biệt, ở Thanh Hóa có tới hơn 100 giáo viên được biệt phái về các Trung tâm HTCĐ. Cán bộ, giáo viên, báo cáo viên ở các Trung tâm HTCĐ lên tới 5.443 người.

Theo báo cáo, học kỳ I năm học 2020-2021, các Trung tâm HTCĐ đã tổ chức được nhiều hoạt động, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhiều vấn đề cấp bách của cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyển, vận động nhân dân học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp một cách kịp thời, có hiệu quả. Triển khai thực hiện “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2020, khai giảng năm học 2020-2021.

Các hoạt động của Trung tâm HTCĐ được đánh giá cao, rất thiết thực đối với người dân. Thông qua các lớp dạy nghề ngắn hạn đã góp phần giúp người lao động, đặc biệt là nông dân có việc làm, xoá đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống...

Những Trung tâm HTCĐ hoạt động tốt đã thu hút được người lao động tham gia học tập. Nội dung học tập của các trung tâm đa dạng phong phú, thiết thực. Cơ cấu nội dung các lớp học của Trung tâm HTCĐ thực hiện 5 nhóm nội dung theo Thông tư 26/2010/TT-BGDĐT, như: Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ.

Xóa mù chữ (chủ yếu là ở vùng cao, biên giới và vùng biển), dạy tin học, tiếng dân tộc (nòng cốt là Bộ đội Biên phòng)... và chương trình biên soạn của tỉnh.

Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa trao thưởng cho các Trung tâm HTCĐ.
Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa trao thưởng cho các Trung tâm HTCĐ.

Tổng số lớp đã mở tại các Trung tâm HTCĐ đạt hơn 10.000 lớp, với gần 1 triệu lượt người học. Trong đó, nhóm thông tin về chính trị, thời sự, Nghị quyết của Đảng, Chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.

Nhóm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, cách tổ chức sản xuất mới phòng tránh bệnh cho người, cho cây trồng, gia súc, gia cầm, chuyền dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Nhóm dạy nghề tạo việc làm; xóa mù chữ; tin học; ngoại ngữ...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song hoạt động của Trung tâm HTCĐ vẫn còn một số tồn tại, như: Chưa chủ động tổ chức thực hiện theo kế hoạch, chương trình, nội dung cần bồi dưỡng. Quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa đồng đều. Cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị giảng dạy còn thiếu…

Bước vào học kỳ II năm học 2020-2021, các Trung tâm HTCĐ được ngành GD&ĐT Thanh Hóa đặt ra mục tiêu, như: Tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý của trung tâm trung tâm học tập cộng đồng về cơ cấu.

Thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Nghiên cứu, thí điểm tại mỗi đơn vị cấp xã có ít nhất từ 3 mô hình trở lên hoạt động hiệu quả.

Đổi mới công tác quản lý chỉ đạo Trung tâm HTCĐ. Phòng GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học và các ban, ngành, đoàn thể biên soạn tài liệu, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ cho các Trung tâm HTCĐ.

Tập trung huy động đội ngũ các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm xây dựng kế hoạch định hướng phát triển trung tâm học tập cộng đồng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ