Ferdinando Carulli - Tây Ban cầm thủ Ý lừng danh

GD&TĐ - Từ thế kỷ XIX đến nay, trên khắp hoàn vũ, nhiều người nhập môn Tây Ban cầm cổ điển bằng giáo trình do nhà soạn nhạc và nhà sư phạm âm nhạc tài năng người Ý / Italia là Ferdinando Carulli (1770 - 1841) biên soạn.

Ferdinando Carulli do Julien Léopold Boily vẽ.
Ferdinando Carulli do Julien Léopold Boily vẽ.

Nhà soạn nhạc, nhà sư phạm âm nhạc, nhà biểu diễn và biên soạn giáo trình Tây Ban cầm cổ điển (tiếng Ý:  Chitarra classica; tiếng Pháp: Guitare classique; tiếng Anh: Classical guitar) này có họ tên đầy đủ khá dài: Ferdinando Maria Meinrado Francesco Pascale Rosario Carulli, thường được gọn hóa thành Fernando Carulli, gọn hơn thì F. Carulli.

Ferdinando Carulli được tiếng Ý phát âm Phe-rơ-đi-nan-đô Ca-ru-li.

Tự học giỏi để vươn lên

Fernando Carulli chào đời ngày 9/2/1770 tại Napoli – đô thị lớn thứ 3 nước Ý, mang nghĩa “thành phố mới”, mà tiếng Pháp và tiếng Anh quen gọi Naples.

Từ ấu thơ, sớm bộc lộ niềm đam mê âm nhạc, Ferdinando Carulli được linh mục quản xứ giảng dạy trung hồ cầm (violoncello / violoncello / cello). Tuy nhiên, Ferdinando Carulli khoái Tây Ban cầm nhất nhưng thuở ở ấy, ở Napoli chẳng ai giảng dạy nhạc cụ này, nên Ferdinando Carulli tự học thành tài: không chỉ biểu diễn độc tấu Tây Ban cầm cổ điển quá hấp dẫn, nổi bật là loạt nhạc phẩm do Ferdinando Carulli soạn riêng cho guitare classique.

Quyết chí lập thân với Tây Ban cầm cổ điển, trước tiên Ferdinando Carulli chăm chỉ tự rèn luyện và nỗ lực sáng tác. Nhiều buổi biểu diễn nhạc cụ này bởi Ferdinando Carulli khắp nước Ý, từ Napoli quê nhà, đến thủ đô Roma, cùng nhiều thành thị khác như Bologna, Trieste, Venezia, Genova, Torino, Bari, Trento, thành công vang dội.

Với cây đàn guitar, Ferdinando Carulli tự tin xuất ngoại.

Du diễn rồi định cư tại Paris

Ferdinando Carulli du diễn hầu hết các quốc gia ở châu Âu, khiến một bộ phận công chúng say mê Tây Ban cầm cổ điển, kể cả những người trước đó chưa có cảm tình với nhạc cụ này.

Năm 1808, Ferdinando Carulli quyết định định cư tại Paris, bởi lý do đầu tiên là đô thị này không chỉ thủ đô nước Pháp, mà còn được phong “la capital du monde de la musique / thủ đô âm nhạc hoàn vũ”, và nguyên nhân cực kỳ quan trọng nữa là trước đó, năm 1801, ông cưới một phụ nữ Paris duyên dáng mang họ tên Marie-Joséphine Boyer.

Đôi vợ chồng sinh được một con trai độc nhất là Gustavo Carulli (1876 - 1801). Đáng mừng biết mấy, Gustavo Carulli xuất sắc nối nghiệp âm nhạc của cha, tích cực phát triển Tây Ban cầm cổ điển, đồng thời thành thạo dương cầm / piano và thanh nhạc.

Năm 1810, tại Paris, Ferdinando Carulli kết thân với nghệ sĩ guitar và nhà soạn nhạc đồng hương Ý là Filippo Gragnani (1768 - 1820). Chẳng những có ngón đàn tuyệt luân, Filippo Gragnani còn xuất thân từ gia đình sản xuất nhạc cụ, càng kích thích danh cầm Ferdinando Carulli cải tiến guitare classique.

Bàn bạc với Filippo Gragnani, kết hợp nghệ nhân Pháp chuyên làm đàn là René-François Lacôte, Ferdinando Carulli tiếp tục cải tiến Tây Ban cầm cổ điển, tạo nên biến thể được gọi “Décacorde” được cấp bằng sáng chế vào tháng 12/1826. Đàn guitar bình thường phổ dụng có 6 dây, gồm 3 dây cao và 3 dây trầm / bass. Đàn guitar “Décacorde” có 7 dây, gồm 3 dây cao và 4 dây trầm.

Sư phạm hóa, quốc tế hóa, hàn lâm hóa Tây Ban cầm

Ferdinando Carulli lập công đầu về sư phạm hóa quy trình giảng huấn Tây Ban cầm cổ điển, chủ yếu qua giáo trình biên soạn bằng tiếng Ý có nhan đề “Metodo completo per chitarra”, tiếng Pháp có nhan đề “Méthode complète pour guitare”, ấn hành năm 1810; năm 1825 lại ấn hành giáo trình tiếng Ý “Metodo della chitarra”, tiếng Pháp “Méthode de guitare”. Bộ giáo trình này được chuyển ra nhiều ngôn ngữ; Lê Thu dịch sang tiếng Việt nhan đề “Phương pháp đàn Tây Ban cầm lừng danh trên thế giới” xuất bản tại Sài Gòn năm 1971.

Trong luận án tiến sĩ “Nghệ thuật guitar trong các tác phẩm âm nhạc Việt Nam” của Nguyễn Thị Hà bảo vệ thành công tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2017, chương I “Tổng quan về nghệ thuật guitar thế giới” có phần “Một số nhạc sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu” thì đây, phương danh được nêu đầu tiên: “Ferdinando Carulli (1770 - 1881) là một trong những nghệ sĩ guitar nổi tiếng trong lĩnh vực giảng dạy. (…) Đặc biệt là cuốn sách “Phương pháp dạy đàn” [sic!] của ông, đây là cuốn sách thiết thực về giảng dạy, dành cho những người bắt đầu học đàn guitar. Cuốn sách này được chọn làm giáo trình dạy của bộ môn guitar hầu hết các nước trên thế giới và tại Việt Nam”.

Nhờ sư phạm hóa tài hoa mà quy củ, giáo trình nêu trên của Ferdinando Carulli được giảng dạy tại nhiều trường lớp hầu khắp hoàn vũ, thực sự góp phần quốc tế hóa và hàn lâm hóa Tây Ban cầm cổ điển.

Về hàn lâm hóa guitare classique, xếp theo năm sinh thì Ferdinando Carulli gốc Ý dẫn đầu “tứ đại cầm thủ” một thời. Ba vị kia là Fernando Sor (1778 – 1839), gốc Tây Ban Nha), Mauro Giuliani (1781 - 1829, gốc Ý), Francisco Tárrega (1852 - 1909, gốc Tây Ban Nha). Với bài bản sáng tác hoặc chuyển soạn cùng phong thái trình tấu lịch lãm sang trọng, họ đã giúp cây đàn guitar chơi chung với các nhạc cụ truyền thống trong giàn giao hưởng.

Không tính chuyển soạn, Ferdinando Carulli đã sáng tác dành cho guitare classique, độc tấu và hòa tấu, kể cả guitar hòa tấu với các nhạc cụ khác, gồm 360 nhạc phẩm, có những bài bản phải cầm thủ thành thạo mới thể hiện đạt yêu cầu.

Ferdinando Carulli từ trần ngày 17/2/1841 tại Paris, hưởng thọ 72 tuổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ