Facebook “tiền hậu bất nhất” về vấn đề Covid-19

GD&TĐ - Mạng xã hội khổng lồ Facebook quyết định lật lại các kiểm duyệt về giả thuyết cho rằng Covid-19 bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Facebook "bỏ chặn" các bài viết về giả thiết virus corona lọt ra từ phòng thí nghiệm.
Facebook "bỏ chặn" các bài viết về giả thiết virus corona lọt ra từ phòng thí nghiệm.

Facebook từ lâu đã chặn các bài viết với giả thuyết cho rằng virus corona bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng nay đột nhiên thay đổi "bỏ chặn". Động thái này ngay lập tức nhận được chú ý sau nhiều tháng tranh cãi xung quanh các giới hạn về quyền tự do ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội.

“Dựa trên các cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 và sau khi tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia y tế, chúng tôi sẽ không còn xóa khỏi nền tảng của mình những giả thuyết virus corona được tạo ra bởi con người hoặc lọt ra từ phòng thí nghiệm”, một thông báo của Facebook ngày 27/5 cho biết.

Việc “trước sau bất nhất” khiến Facebook như đang “tự trói tay mình” khi phải thực hiện giải pháp cân bằng thông tin đăng của người sử dụng trước đây với hiện tại một cách khó khăn.

“Facebook chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc phân xử sự thật trên mạng xã hội. Vài ngày trước nếu viết nCoV bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm, bạn bị xoá khỏi Facebook. Tuy nhiên hôm nay lại không có bất cứ vấn đề gì”, chuyên gia truyền thông kỹ thuật số Mathew Ingram của Tạp chí Columbia đăng dòng nhận định trên Twitter.

Quyết định “gió đổi chiều” của Facebook diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các cơ quan tình báo Mỹ “nỗ lực gấp đôi” để giải thích nguồn gốc của đại dịch.

Các chuyên gia từ lâu bác bỏ giả thuyết virus corona lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận gần đây một số nhà khoa học “không loại trừ khả năng ngược lại” - tức virus corona lọt ra từ phòng thí nghiệm.

Facebook và ứng dụng Instagram đang có khoảng 3 tỷ người dùng. Trước đây, họ không chỉ ngăn chặn các đăng bài có giả thuyết về nguồn gốc virus corona xuất hiện từ phòng thí nghiệm, mà còn cấm những bình luận như vắc-xin không hiệu quả, hoặc nói về mức độ nguy hiểm của loại virus này gây ra.

Nhà sáng lập Mark Zuckerberg nhiều lần lặp lại rằng phát triển mạng xã hội Facebook không nhằm mục đích trở thành “người phân xử sự thật”. Chính sách tiết chế nội dung đó đã tạo ra tình huống phức tạp giữa tôn trọng tự do ngôn luận, nhu cầu kinh tế và chính trị, sự minh bạch trong các trao đổi trên nền tảng rất dễ bị ảnh hưởng bởi sách nhiễu, tin đồn thất thiệt và thuyết âm mưu.

Ông chủ Facebook giải thích thêm: “Chúng sẽ tiếp tục làm việc với các chuyên gia để theo dõi sự tiến triển trong những nghiên cứu về bản chất của đại dịch và thường xuyên cập nhật các chính sách trên nền tảng khi các sự kiện mới xuất hiện”.

“Đó là điều đúng đắn phải làm”- Rebekah Tromble, giáo sư tại Đại học George Washington hoan nghênh quyết định mới của Facebook: “Các tổ chức chịu trách nhiệm đưa ra quyết định dựa trên thông tin tốt nhất hiện có nhưng vẫn để ngỏ khả năng thay đổi đánh giá của họ khi các yếu tố mới phát sinh”.

Để phân loại các thông tin sai lệch, Facebook sử dụng chương trình kiểm tra thông tin thực tế trên phương tiện truyền thông của bên thứ ba, trong đó có sự tham gia của Hãng thông tấn AFP.

Như vậy, tới thời điểm này cả 3 “ông lớn” Facebook, Twitter và YouTube đều cho phép đăng các bài viết giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của virus corona. Nhưng dịch vụ video của Google luôn theo dõi các “thuyết âm mưu” liên quan đến đại dịch, đặc biệt là những thuyết có tính chất phân biệt chủng tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.