F-16 tham chiến giống như mất 1 tay và 1 mắt

GD&TĐ - F-16 của Ukraine không có các hệ thống chỉ huy tác chiến tích hợp và sự yểm trợ của các loại vũ khí khác, khiến nó giống như mất đi 1 tay và 1 mắt.

F-16 tham chiến giống như mất 1 tay và 1 mắt

Đến cuối năm 2024, Không quân Ukraine sẽ nhận được khoảng 20 đơn vị máy bay chiến đấu F-16, ít hơn nhiều so với những gì các đồng minh phương Tây đã hứa với chính quyền Kiev. Những chiếc máy bay đầu tiên sẽ bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine vào tháng 8.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và đại diện của Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhiều lần tỏ ra thất vọng, lưu ý rằng sẽ có quá ít máy bay và chúng sẽ xuất hiện rất muộn.

Họ lo ngại thời gian không còn nhiều và với sự xuất hiện chậm trễ như vậy, số lượng ít ỏi các máy bay F-16 đời cũ sẽ không trở thành nhân tố quyết định trên chiến trường trong cuộc xung đột với Nga như kỳ vọng trước đó.

Một trong những lý do chính dẫn đến sự bi quan là F-16 sẽ được triển khai nhiều hơn cho mục đích phòng thủ, vì Lực lượng Vũ trang Nga thực sự kiểm soát không phận Ukraine bằng lực lượng hàng không vũ trụ và hệ thống phòng không dọc theo toàn bộ chiến tuyến, khiến máy bay Ukraine và phi công của họ gặp nguy hiểm nghiêm trọng.

“Chúng tôi sẽ không sử dụng máy bay chiến đấu F-16 quá gần quân Nga do mối đe dọa phòng không” - một trong những quan chức Ukraine được tờ báo dẫn lời, cho biết.

Trong khi đó, giới chuyên gia và truyền thông Mỹ cũng bày tỏ sự lo lắng về những vấn đề mà F-16 sẽ gặp phải trong Khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga.

Ấn bản Mỹ của tờ New York Times (NYT) một lần nữa nhấn mạnh về nguy cơ xảy ra từ các cuộc tấn công của Nga vào các sân bay Ukraine. NYT cho rằng, các vụ tấn công xảy ra liên tục gây ra rủi ro cao cho không chỉ máy bay mà cả những nhân viên kỹ thuật, bảo trì trên mặt đất.

Giới chức quân sự Nga cũng tuyên bố rõ rằng, họ sẽ phá hủy máy bay mới của Lực lượng vũ trang Ukraine trước khi chúng bắt đầu làm nhiệm vụ trên bầu trời.

Ngoài ra, trong lực lượng phòng không và không quân Nga cũng đã dấy lên “phong trào thi đua” để tìm ra người bắn hạ chiếc Fighting Falcon đầu tiên và người bắn hạ nhiều chiếc F-16 nhất.

Phong trào thi đua này và niềm kiêu hãnh của lực lượng phòng không-không quân, lực lượng tên lửa Nga, cùng với số tiền thưởng kếch xù cho những người bắn rơi F-16 thực sự đã khiến những chiếc máy bay của Mỹ trở thành mục tiêu săn đuổi của tất cả các lực lượng Nga.

Tờ The Times của Anh cho biết, một vấn đề lớn khác là trong khi chính quyền Kiev luôn kêu ca là số lượng F-16 nhận được là quá ít nhưng thực tế là Không quân Ukraine cũng chẳng thế nào vận hành được hết 20 chiếc máy bay này vì hiện mới chỉ có sáu phi công Ukraine hoàn thành chương trình đào tạo lái những chiếc Fighting Falcon của Mỹ.

Do đó, để vận hành hết 20 chiếc F-16 này, có lẽ Không quân Ukraine sẽ phải tuyển mộ “lính đánh thuê” là những phi công lái máy bay chiến đấu của các nước phương Tây đã về hưu.

Ngoài ra, việc đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật Ukraine còn nhiều hạn chế về cả nhân lực lẫn trang, thiết bị. Cùng với việc phải phân tán máy bay để tránh đòn tập kích của Nga, công việc bảo trì, sửa chữa những chiếc máy bay lại càng gặp nhiều khó khăn về mặt nhân lực và kỹ thuật

Những chiếc F-16 Mỹ khi tác chiến thường được hỗ trợ bởi các Hệ thống chỉ huy tác chiến tích hợp tối tân như C4I, C5I, thậm chí là cả các Hệ thống C5ISR (“command, control, communications, computers, combat systems, intelligence, surveillance, and reconnaissance”, tức “chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính, hệ thống tác chiến, tình báo, giám sát và trinh sát”); cùng với đó là sự yểm trợ của hàng loạt loại vũ khí tối tân khác.

Nhưng ở Ukraine, những chiếc F-16 sẽ phải chiến đấu độc lập, thiếu đi sự hỗ trợ từ các hệ thống trinh sát, giám sát tầm xa; thiếu sự phối hợp hiệp đồng với các loại vũ khí khác, khiến nó giống như bị mất đi một con mắt và một cánh tay, làm giảm hiệu quả chiến đấu của chiếc máy bay thiên về công nghệ của phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

gọng kính chất lượng