Ethiopia: Trẻ có nhận thức yếu được quan tâm đầu tư

GD&TĐ - Kết quả từ một nghiên cứu được thực hiện trên 1.400 trẻ em Ethiopia cho thấy, đối với những gia đình có 2 con trở lên, các bậc phụ huynh sẽ chú trọng đầu tư cho đứa trẻ có khả năng nhận thức kém hơn.

Tại Ethiopia, lượng mưa có tác động lớn đến khả năng học tập của trẻ
Tại Ethiopia, lượng mưa có tác động lớn đến khả năng học tập của trẻ

Đầu tư nhiều hơn cho trẻ có nhận thức kém

Theo ông James Heckman, người từng được nhận giải Nobel về kinh tế, việc đầu tư cho trẻ nhỏ từ thời thơ ấu sẽ mang tới những ảnh hưởng tích cực kéo dài cả đời. Đặc biệt, nếu đầu tư càng sớm, hiệu quả sẽ càng cao. Ngược lại, những cú sốc mà trẻ gặp khi đang trong quá trình phát triển cũng có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng suốt đời.

Khi thực hiện đánh giá những tác động lâu dài của hoàn cảnh đầu đời, các chuyên gia đặt ra câu hỏi: Tại sao trẻ em lại không thể bắt kịp sau những cú sốc mà chúng gặp phải trong độ tuổi đang phát triển? Liệu cha mẹ có góp phần tạo nên sự khác biệt, hay là cố gắng bù đắp cho con trẻ?

Để trả lời câu hỏi này, mới đây, các chuyên gia đã thực hiện một nghiên cứu nhằm xem xét cách các bậc cha mẹ đến từ những gia đình còn hạn chế về nguồn lực tài chính phản ứng với sự khác biệt về khả năng của con cái. Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ dự án nghiên cứu quốc tế về nghèo đói thời thơ ấu Young Lives tại Ethiopia.

Theo đó, khả năng của 1.400 trẻ nhỏ 5 – 8 tuổi được đánh giá dựa trên số điểm các em đạt được trong bài kiểm tra từ vựng. Yếu tố đặc biệt là, các em nhỏ tham gia khảo sát đều được chia thành các cặp là anh chị em trong nhà.

Các chuyên gia sẽ so sánh điểm số mà những trẻ trong cùng một gia đình đạt được và từ đó cân nhắc mối quan hệ cũng như sự khác biệt trong việc phụ huynh đầu tư cho việc học của mỗi trẻ. Kết quả cho thấy, hầu hết các bậc cha mẹ đều có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào đứa trẻ có thành tích học tập kém và nhận thức chậm hơn so với người con còn lại. Bởi vậy, phụ huynh không ngần ngại dốc hết kinh tế để cải thiện kết quả học tập của con.

Tuy nhiên, sau 3 năm, mặc cho những nỗ lực đầu tư từ cha mẹ, nhưng khoảng cách trong khả năng học tập giữa hai anh chị em trong cùng một gia đình vẫn không có sự thay đổi. Do đó, các nhà nghiên cứu nhận định, khoảng cách thành tích ở những đứa trẻ bị ảnh hưởng xấu trong giai đoạn đầu đời là do các quá trình sinh học, bất kể cha mẹ chúng có cố gắng giúp đỡ thế nào.

Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa

Nhiều khả năng nguyên nhân của sự khác biệt về điểm số trong bài kiểm tra của trẻ do cha mẹ có sự đầu tư khác nhau cho mỗi trẻ tính đến thời điểm chúng làm bài. Đây được coi là một vấn đề phổ biến của các nghiên cứu thuộc loại này. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tách những khác biệt trong phát triển nhận thức do các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của gia đình.

Các chuyên gia đã cân nhắc dựa trên sự khác biệt về lượng mưa trong thời thơ ấu của hai anh chị em trong cùng một nhà. Tại Ethiopia, lượng mưa có sự tương quan cao với thu nhập và khả năng đầu tư của cha mẹ trong các hộ gia đình nghèo. Những đứa trẻ trải qua giai đoạn đầu đời với khí hậu nhiều mưa sẽ bị tác động đến khả năng đạt được trình độ học vấn cao. Đây được coi là bằng chứng về việc các hộ nghèo đang cố gắng cải thiện cơ hội sống của tất cả trẻ em trong gia đình.

Cũng trong nghiên cứu này, các chuyên gia đã nêu ra lý thuyết kinh tế về cách cha mẹ phân bổ nguồn lực tài chính trong gia đình. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, cha mẹ nên đầu tư vào việc học cho đứa trẻ có khả năng cao hơn. Trái lại, một lý thuyết khác lại cho thấy, các bậc phụ huynh không thích tạo ra sự bất bình đẳng giữa các con trong gia đình. Thay vào đó, họ sẽ bù đắp cho mọi sự khác biệt giữa những đứa trẻ.

Tại các nước phát triển có thu nhập cao và chính phủ đóng vai trò mạnh mẽ hơn, việc bắt buộc trẻ em tới trường, miễn phí cho nền giáo dục công lập và cấm trẻ em làm việc toàn thời gian được thực thi mạnh mẽ. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, nhiều cha mẹ nghèo phải đối mặt với những hạn chế tài chính, dẫn đến tỷ lệ lao động ở trẻ em ngày càng cao. Không ít bậc cha mẹ tại Ethiopia thường phân vân giữa hai lựa chọn: Đầu tư vào con cái để bảo đảm một tương lai tươi sáng hơn, thịnh vượng hơn, hay dùng thời gian để lao động và nuôi sống gia đình?

Nền kinh tế Ethiopia đã phát triển nhanh chóng trong 10 năm qua và mạng lưới xã hội cũng được mở rộng. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình tại đây vẫn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn và phụ thuộc vào các hoạt động canh tác dựa vào lượng mưa. Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Ethiopia vẫn còn cao. Do đó, việc mở rộng tiếp cận giáo dục vẫn chưa thể mang lại sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện kết quả học tập ở trẻ.

Kết luận nghiên cứu, các chuyên gia nhận định, việc bảo vệ trẻ em khỏi các sự kiện bất lợi trong thời thơ ấu sẽ là nhiệm vụ có vai trò ngày càng quan trọng hơn vì châu Phi sẽ phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu. Do vậy, những hành động hỗ trợ từ chính phủ Ethiopia nhằm giúp cha mẹ trong việc giáo dục trẻ nhỏ là điều vô cùng cần thiết.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính phủ nên có các biện pháp bảo trợ xã hội, bao gồm các biện pháp can thiệp như bảo hiểm lượng mưa và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp các bậc phụ huynh tại đây có thể mang lại điều tốt nhất cho con em mình.
Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ