Trung bình mỗi năm, chỉ riêng ở Bihar đã có khoảng 3.400 nam thanh niên bị bắt cóc, ép hôn bằng vũ lực.
Ép cưới bằng… họng súng
Ấn Độ mang tiếng xấu là “thủ đô hiếp dâm của thế giới”, vì tệ nạn phạm tội với phụ nữ liên tục gia tăng. Đàn ông ở đây nặng quan niệm “nam tôn, nữ ti”, tự cho có toàn quyền khống chế phụ nữ, đặc biệt là với vợ của mình.
Thế nhưng, tại một vài khu vực trong 3 bang thuộc miền Đông là Bihar, Jharkhand và Uttar Pradesh lại tồn tại một hủ tục hoàn toàn trái ngược: Pakadua Vivah - bắt cóc chú rể.
Đối tượng của Pakadua Vivah là các nam thanh niên trẻ, khỏe, gia cảnh giàu có. Trong thời đại coi trọng học vấn cao ngày nay, họ thường là các nam cử nhân có công ăn việc làm ổn định.
Một ngày tháng 8/2019, anh Sambhu Yadav (27 tuổi) ở Munger, Bihar đang đi bộ trên đường Raksha Bandhan thì đột ngột bị một chiếc SUV xáp lại gần. Chỉ trong vài giây, anh Yadav đã bị “hốt” vào trong xe, bịt mắt, trói tay bởi một toán đàn ông lạ và chở đi mất.
Anh Yadav bị nhốt trong phòng tối qua đêm, sáng ra thì bị đưa đến một ngôi đền. Chờ đợi anh là một phụ nữ mặc hỷ phục. Trước khi anh Yadav kịp nói bất cứ lời nào, nhà sư của chùa đã tụng kinh, thực hiện các nghi lễ kết hôn truyền thống cần thiết.
Có đến 3 vệ sĩ cầm súng, giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của anh Yadav và, trước họng súng, anh không còn cách nào khác ngoài chấp nhận làm chú rể.
Một ngày tháng 5/2022, bác sĩ thú y Satyam Kumar (26 tuổi) ở Begusarai, Bihar nhận cuộc gọi yêu cầu đến làng Hasanpur khám và chữa bệnh cho bò. Thay vì trở về, anh Kumar xuất hiện trên… mạng xã hội, trong video ghi hình đám cưới Pakadua Vivah. Cha của anh là ông Subodh Kumar phải lập tức báo cảnh sát, nhờ họ tìm kiếm tung tích và giải cứu con trai.
Ngày càng gia tăng
Hầu hết nạn nhân của 'bắt cóc chú rể' là nam thanh niên học vấn cao, nghề nghiệp tốt. Ảnh: Timesofindia.indiatimes.com |
Căn nguyên của Pakadua Vivah là… của hồi môn. Ấn Độ có truyền thống gả con gái kèm theo của hồi môn, khiến các gia đình nghèo khó tìm được nơi gửi gắm con gái và quay ra bắt rể, ép hôn.
Không rõ Pakadua Vivah có từ khi nào nhưng, vào thập niên 1980, trong bối cảnh suy giảm kinh tế, nó bị đưa ra ánh sáng. Hầu hết nạn nhân của Pakadua Vivah đều là nam thanh niên thuộc gia đình khá giả, có trình độ học vấn cao, công việc ổn định… Sau khi bị bắt cóc, họ thường bị giam cầm, ép hôn và nếu từ chối thì bị đánh đập, đe dọa giết.
Thập niên 1990, Pakadua Vivah lộng hành khắp khu vực phía Đông. Dưới sự áp chế của pháp luật, nó giảm bớt trong thập niên 2000, nhưng lại đột ngột gia tăng khi bước sang thập niên 2010.
Theo báo cáo từ Ấn Độ, sự gia tăng của Pakadua Vivah nhìn chung bắt đầu từ năm 2017, với 8.972 trường hợp. Trong năm 2018, tổng số vụ nhảy vọt lên 10.310 vụ, năm 2019 tiếp tục tăng lên 10.925 vụ.
Tại Bihar, điểm nóng Pakadua Vivah, sự gia tăng này còn bắt đầu từ năm 2014, với 2.526 vụ. Năm 2015, nó nhảy lên 3.000 vụ, năm 2016 thì 3.070 vụ.
Thời gian gần đây, Pakadua Vivah ở Bihar trung bình khoảng 3.400 vụ/năm. Hầu hết các nạn nhân đều bị bắt cóc, ép cưới bằng đe dọa tính mạng bản thân và người nhà.
“Mày râu cũng khóc”
Dưới họng súng, các chú rể buộc phải chấp thuận kết hôn. Ảnh: In.soundpasta.com |
Năm 2010, điện ảnh Ấn Độ ra mắt bộ phim “Xung đột nội tâm” (Antardwand), phơi bày thực tế Pakadua Vivah. Nhân vật chính của bộ phim, Raghuveer Shahi (do nam tài tử Raj Singh Chaudhary thủ vai) là nam sinh viên đầy triển vọng, đã có người yêu. Vì bị bắt cóc, ép hôn theo hủ tục Pakadua Vivah, anh dần dà đánh mất cả nhân tính lẫn hạnh phúc.
Mặc dù, nền điện ảnh Ấn Độ không nhiều tác phẩm như “Xung đột nội tâm”, nhưng mạng xã hội thì ngày càng nhiều video ghi hình đám cưới Pakadua Vivah với chú rể bị khuất phục dưới bạo lực, họng súng. Nhiều video còn cho thấy chú rể bị đánh đập đến mức bất tỉnh hoặc thực hiện nghi lễ kết hôn trong nước mắt.
Nạn nhân của Pakadua Vivah rất hiếm khi thoát được số phận bị ép hôn. Ngay cả muốn thoát khỏi hôn nhân cưỡng ép bằng ly hôn, họ cũng không dễ dàng gì, vì phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài, thậm chí có khả năng bị kết án hình sự theo luật của hồi môn (ưu tiên bảo vệ phụ nữ).
Sự gia tăng của Pakadua Vivah cũng làm nảy sinh nghề bất hảo mới: Bắt cóc và giám sát chú rể. Các băng nhóm hành nghề này vừa ngang nhiên bắt cóc giữa ban ngày, vừa cung cấp cả “dịch vụ giữ chân chú rể”.
Chúng không chỉ bạo hành nạn nhân, mà còn phiền hà, đe dọa người nhà của họ, khiến các “chú rể bị bắt cóc” chỉ còn nước buông xuôi, đổi lấy cuộc sống bình yên.