Tuổi trẻ gắn liền với sự lãng mạn. Trong bối cảnh lạm phát “cao đến không thể chấp nhận nổi”, Ấn Độ chứng kiến thực tế chua chát: Giới trẻ Ấn Độ tránh né yêu đương vì không dư dả tiền bạc, thời gian để hẹn hò. Ngay cả khi có mong muốn xây dựng mối quan hệ, họ cũng quyết định dựa trên tiền đề “mức sống” của đối tượng.
Phụ thuộc tài chính
Kể từ tháng 5, lạm phát ở Ấn Độ có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn cao. Tổng kết tháng 7, lạm phát là 6,71%. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào tài chính. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, mọi người cũng tách biệt tình và tiền, tin tưởng tình yêu nằm ngoài tiền bạc.
Không ngờ, cuộc khảo sát mới đây nhất do Dating.com thực hiện tại Ấn Độ lại chỉ ra thực tế khác. Có đến 52% người tham gia cho biết đã từ bỏ hẹn hò ngay từ đầu, vì cần tiết kiệm tiền cho trang trải nhu yếu phẩm, xăng, phí phương tiện giao thông...
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện trong nửa đầu năm 2022 cũng chỉ ra, 50% người sử dụng ứng dụng hẹn hò quan tâm tới chi phí gặp mặt ngoài đời thực. Dating.com thì báo cáo, 58% người tham gia khảo sát muốn biết chính xác ngày hẹn hò đầu tiên rơi vào lúc nào, để cân nhắc thời gian và sắp xếp nơi gặp gỡ cũng như “điều chỉnh ví”.
Ngày nay, hẹn hò không còn là cuộc gặp gỡ lãng mạn đơn thuần, mà chịu ảnh hưởng từ tài chính. Từ khâu chuẩn bị trang phục, trang điểm đến nơi hẹn, món ăn, thức uống… đều phụ thuộc vào tiền. Dù ghét phải công nhận nhưng, tiền đang phủ bóng lên tình yêu, gây trở ngại ngay từ buổi đầu gặp mặt.
“Nếu bạn là thanh niên nghèo, đang phải vật lộn với mớ hóa đơn thanh toán phí sinh hoạt và cần tiết kiệm 1 khoản gửi cho cha mẹ thì hẹn hò đích thực là điều xa xỉ”, nhà kinh tế học Shrayana Bhattacharya thừa nhận.
Tài chính cũng quyết định chất lượng hẹn hò. |
Tỉnh táo áp chế mơ mộng
Thế giới đang quay cuồng vì lạm phát. Theo báo cáo tài chính từ khu vực đồng euro – Eurozone, lạm phát tháng 6/2022 tăng 8,6% và tiếp tục lên trong tháng 7, với 8,9%. Ngày 12/8, Hoa Kỳ phải thông qua đạo luật giảm lạm phát, trích gói ngân quỹ cải cách “khủng” 430 tỷ đô la. Tại Ấn Độ, lạm phát “cao ngoài mức có thể chấp nhận được”. Suốt 4 tháng đầu năm 2022, lạm phát giá buôn vượt trên 10%, chạm đỉnh điểm vào tháng 3 với mức 14,55%.
“Thời đi học, hẹn hò với tôi là sự lãng mạn gắn liền với các quán cà phê, nhà hàng”, Labhanshi Agarwal (22 tuổi) chia sẻ. Tuy nhiên, ngay khi tốt nghiệp và phải tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, “sự lãng mạn” với Agarwal đã biến mất. Cô phải vất vả chắt chiu từng đồng để trả tiền thuê phòng cũng như các khoản phí bắt buộc khác.
Không như các áng văn - thơ, sự lãng mạn đòi hỏi cả tiền bạc lẫn thời gian. Putlibai Dora (29 tuổi) không hẹn hò chỉ đơn giản vì không có phút nào rảnh rỗi.
Thời gian rảnh duy nhất của Dora là 4 tháng thất nghiệp vì đại dịch. “Tôi là người giúp việc, làm việc trong khu nhà ở cao cấp thuộc trung tâm Delhi. Nơi làm việc của tôi là trong nhà các chính trị gia, triệu phú giàu có bậc nhất, vậy mà còn mất việc. Sống trong thời buổi rủi ro thất nghiệp lớn như thế này, làm sao tôi dám yêu với đương”, Dora than thở.
“Trong thời đại lạm phát này, tiền có thể còn đóng vai trò quan trọng hơn trái tim”, nhà thiết kế thời trang trẻ, Abhiveer Mehta (23 tuổi) buồn chán. Cá nhân Mehta thích hẹn hò ở những nơi cao cấp như điểm du lịch nổi tiếng, nhà hàng hạng sang… nhưng luôn tự nhủ “hãy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định”. Anh nhận ra, nhiều người khác cũng đang cân nhắc về chi phí hẹn hò, cố gắng cắt giảm nhiều nhất giống như mình.
Với “cắt giảm chi phí hẹn hò”, Agarwal là ví dụ điển hình. “Bây giờ, tôi chỉ muốn tập trung vào việc được ở bên nhau. Thay vì hẹn hò trong quán cà phê đắt đỏ, tôi bằng lòng với chuyện đi dạo, ghé lán ven đường uống trà và ăn bánh quy giá rẻ”, cô nói.
Bất bình đẳng trong tình yêu
Giới trẻ Ấn Độ nhận định, lãng mạn cần cả thời gian lẫn tiền bạc. |
Trong khi Agarwal lựa chọn “hẹn hò chi phí thấp”, Mehta đặt mục tiêu khác. “Đối với tôi, điều quan trọng nhất trước khi xác lập một mối quan hệ lãng mạn là biết rõ tình hình tài chính của đối tượng”, anh tuyên bố.
“Nói vậy không có nghĩa là tôi quan tâm họ phải có nhà cao cửa rộng hay nhiều tiền, mà chỉ là muốn biết họ quản lý tài chính ra làm sao”, Mehta giải thích. Anh “chấm” đối tượng dựa trên tiêu chí suy nghĩ về tiết kiệm, cách thức chi tiêu tiền. “Bởi vì, tôi không thích yêu chơi. Một khi đã quyết định hẹn hò, tôi kỳ vọng mối quan hệ này sẽ dẫn đến cái kết bên nhau lâu dài”, anh bộc bạch.
Ấn Độ vẫn còn phân biệt giới tính. Phụ nữ Ấn Độ, đặc biệt là phụ nữ độc thân, vừa khó tiếp cận việc làm vừa bị trả lương thấp hơn đàn ông. Theo dữ liệu mới nhất từ Delhi, lượng lao động nữ trong thủ đô đang chỉ chiếm 15,5%.
Thực tế kiếm việc khó khăn và bị trả lương thấp thúc đẩy các chị em lựa chọn con đường “lấy chồng giàu”. “Vốn dĩ, lạm phát không ảnh hưởng đến mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, nơi phụ nữ phụ thuộc vào đàn ông vì tiền, lạm phát hoàn toàn có khả năng điều khiển. Nó khiến tình cảm lứa đôi trở nên bất bình đẳng, nới rộng khoảng cách giới tính và định hình yêu thực dụng”, Bhattacharya lo ngại.