Kinh hoàng nạn bắt cóc chú rể, dùng vũ lực ép cưới

GD&TĐ - Dàn xe hơi gắn loa phát những bài hát sôi động nối nhau lăn bánh trên đường phố, các tay trống ra sức biểu diễn và pháo hoa nổ rực rỡ là cảnh thường thấy trong suốt mùa cưới ở thành phố Patna, Ấn Độ. Tuy nhiên, một số chú rể không hề vui vẻ, hạnh phúc trong ngày trọng đại bởi họ bị bắt cóc, ép cưới.

Kinh hoàng nạn bắt cóc chú rể, dùng vũ lực ép cưới

Dùng vũ lực ép chú rể kết hôn

Bắt cóc chú rể ép cưới là hủ tục vẫn tồn tại ở một số vùng của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Bắt cóc chú rể ép cưới là hủ tục vẫn tồn tại ở một số vùng của Ấn Độ.

Theo tờ Aawsat, Vinod Kumar, một kỹ sư 29 tuổi ở bang Jharkhand, đến thành phố Patna, thủ phủ của bang Bihar hồi đầu tháng 12 năm ngoái để dự đám cưới một người bạn. Ngay trong buổi tối hôm đó, chàng kỹ sư 29 tuổi bị đe dọa bằng bạo lực để cưới một phụ nữ mà anh chưa từng gặp.

Cùng với sự giúp sức của những người đàn ông trong gia đình, anh trai cô dâu lấy điện thoại của Kumar, nhốt anh vào một căn phòng. Lúc này, Kumar mới biết anh đã trở thành nạn nhân của nạn bắt cóc chủ rể ở bang Bihar.

"Tôi hỏi anh ta muốn gì từ tôi? Anh ta bảo, tôi phải kết hôn với em gái của anh ta", chàng kỹ sư nói và cho biết thêm rằng, khi anh cự tuyệt yêu cầu này, anh liền bị đánh và bị dọa giết.

Chú rể bị ép cưới sau đó xuất hiện trên một video được đăng tải trên Youtube, khóc vì bị trói chặt và bị ép phải thực hiện các nghi thức cưới. Cô dâu của anh đứng bên cạnh, tỏ vẻ bực bội không vui. Cả 2 không hề nói với nhau một lời.

Đêm tân hôn, Kumar tiếp tục bị khóa chặt trong nhà. Sáng hôm sau, những người bắt cóc anh gọi điện tới nhà chú rể thông báo rằng, Kumar đã tự nguyện kết hôn.

Tuy nhiên, vì nghi ngờ, anh trai của Kumar đã báo cảnh sát. Kumar cuối cùng chỉ được thả sau khi người thân và bạn bè anh đưa sự việc lên các phương tiện truyền thông xã hội, khiến dư luận phẫn nộ. Dưới áp lực của dư luận, cảnh sát cuối cùng đã đến nhà cô dâu để giải cứu Kumar.

Hủ tục chưa chấm dứt

Kumar chỉ là 1 trong 3.400 chú rể được ước tính đã bị bắt cóc và ép cưới ở Bihar - một tiểu bang ngèo với dân số hơn 100 triệu người năm ngoái.

Tuy nhiên, số liệu thật có thể còn cao hơn vì cảnh sát nói rằng, họ không có số liệu thống kê chính xác bởi nhiều vụ bắt cóc chú rể không được báo cáo. Tuy nhiên, cảnh sát thừa nhận, đàn ông ở Bihar thường bị bắt cóc và ép buộc phải kết hôn.

"Vấn nạn bắt cóc chú rể tồi tệ nhất diễn ra sau cuộc khủng hoảng nông nghiệp vào những năm 1980. Lúc đó, trai tráng nông thôn được học hành tử tế, có một công việc tốt và trở thành những người chồng đắt giá. Trong khi đó, nhiều nhà gái không có khả năng mua sắm của hồi môn cho cô dâu nên đã bắt cóc chú rể và ép cưới", ông Rubitch, người đứng đầu tổ chức từ thiện địa phương Kushish cho biết.

Mặc dù hủ tục này đã bị cấm nhưng nó vẫn phổ biến ở Bihar. Một số gia đình thậm chí thuê xã hội đen bắt cóc chú rể nếu không thể tự mình làm việc đó. Những chàng trai như Kumar là "đối tượng quá tốt" để bắt cóc, ép cưới vì anh vốn là một giám đốc trẻ tuổi của một công ty thép nhà nước. Trong khi đó, cô dâu đã 40 tuổi, rất khó để tìm chồng.

Ngay sau khi may mắn thoát khỏi một đám cưới ép buộc, Kumar đã nỗ lực đi tìm công lý cho mình, kêu gọi trừng phạt những người bắt cóc, đánh đập và ép anh phải kết hôn.

"Tôi muốn hủ tục này phải bị hủy bỏ. Tôi muốn có một cuộc hôn nhân tự nhiên, do gia đình mình sắp xếp", Kumar chia sẻ.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ