Tập sách sưu tầm trên 30 bài viết của các nhà hoạt động chính trị, xã hội, khoa học, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam, một số thư từ trao đổi của các Bộ trưởng, Đại sứ, các Giáo sư, Viện sĩ, các nhà hoạt động xã hội Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản… và các nước Đông Nam Á về “Em Ngọc” - Trịnh Ngọc Trình.
Đó là những bài viết giàu xúc cảm, thể hiện tình cảm yêu thương, mến mộ đối với tấm gương Trịnh Ngọc Trình - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người thầy mẫu mực có nhiều đóng góp xuất sắc trên mặt trận giáo dục, văn hoá - tư tưởng với 55 năm dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng…
Viết lời dẫn cho cuốn sách đặc biệt này, đồng chí Vũ Oanh - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam đã tổng kết:
Cuộc đời Trịnh Ngọc Trình với hơn 69 năm tham gia cách mạng, vô cùng phong phú, mãnh liệt, đầy lòng nhân ái.
Anh là một Đảng viên tốt, một cán bộ tốt, một con người tử tế. “Em Ngọc” - người liên lạc dũng cảm, thương binh kiên cường, nhà giáo mô phạm, cán bộ Đoàn sáng tạo, Giám đốc HEDo tận tuỵ.
Trịnh Ngọc Trình đã làm được nhiều việc hữu ích cho đời, cho dân, cho nước nhưng anh vẫn là “Anh hùng vô danh” như hàng triệu anh bộ đội Cụ Hồ và hàng vạn giáo viên cả nước. Mặc dầu vậy, gặp anh lúc nào ta cũng thấy một nụ cười tươi tắn như nói với mọi người rằng: Anh là một con người hạnh phúc.
Cả nước biết đến Trịnh Ngọc Trình qua truyện Em Ngọc của bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đăng trên báo Vui sống của ngành Quân y vào năm 1947. Về sau, truyện Em Ngọc in trong tập sách Nắng và được đưa vào Tuyển tập Văn thơ cách mạng và kháng chiến.
Không chỉ là điển hình "em Ngọc" mưu trí, dũng cảm trong công tác giao liên, khi bị thương phải nát cánh tay, trở thành thương binh trong những năm kháng chiến chống pháp, tên tuổi Trịnh Ngọc Trình còn được biết đến là người thầy mẫu mực, tận tâm với trên 20 năm trực tiếp đứng trên bục giảng; Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - người nhen lửa và khởi xướng phong trào Ba sẵn sàng, rồi Giám đốc tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi (HEDo).