Theo bố của bé V.A. chia sẻ, tháng 11/2021, bé bỗng dưng nổi một vài nốt chấm đen trên khuôn mặt, lúc đó gia đình nghĩ đó là vết tím bình thường có thể do con bị dị ứng gì đó thôi. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên trầm trọng khi 1 tháng sau đó, các nốt chấm đen xuất hiện nhiều hơn, kèm theo đó là tình trạng bé bị chảy máu chân răng rất nhiều.
Lúc này, gia đình mới cho bé đi khám tại một bệnh viện gần nhà. Các xét nghiệm tại đây cho thấy bé bị suy giảm 3 dòng máu ngoại vi (hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu) và phải nhập viện truyền máu điều trị 1 tuần tại bệnh viện.
Khoảng 10 ngày sau khi xuất viện, bé lại xuất hiện chảy máu chân răng không cầm được.
Tháng 12/2021, bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương. Thời điểm nhập viện, bé đã rơi vào tình trạng nặng. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bé được chẩn đoán suy tủy xương, kèm xuất huyết não.
TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương - Trưởng Khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Suy tủy xương là tình trạng giảm sinh các tế bào máu ở tủy xương dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu máu, chảy máu do xuất huyết và sốt do nhiễm trùng. Nguyên nhân có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong do thiếu máu nặng, xuất huyết não hoặc nhiễm vi khuẩn, virus nặng.
Cách chữa trị duy nhất cho căn bệnh của bé V.A là ghép tế bào gốc (ghép tủy). Vì vậy, các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra người thân của bé để tìm ra người phù hợp để hiến tủy.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé đã được làm xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) và được tìm thấy hòa hợp HLA với em ruột 4 tuổi của mình.
Tuy nhiên, con đường đi đến ca cấy ghép không hề dễ dàng vì từ khi phát hiện bệnh, bé V.A thường xuyên bị nhiễm trùng, phụ thuộc hoàn toàn vào truyền máu và kháng sinh.
Tháng 2/2022, thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Khi tính mạng của bé V.A chỉ còn được tính bằng ngày, các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành các bước theo đúng quy trình để thực hiện ca ghép tủy nhanh nhất cho bé.
"Em gái là người có tủy phù hợp nhất nhưng việc thu hoạch tủy xương của bé để truyền cho chị gái khá khó khăn. Vì bé mới chỉ 4 tuổi (nặng 15kg) cân quá nhỏ so với chị gái 11 tuổi (cân nặng 41kg). Chúng tôi phải tiến hành lấy máu từ tủy xương và lấy thêm cả máu ngoại vi của bé thì mới đủ truyền cho chị gái. Rất may mắn, nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trước ghép cùng như sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa, ca ghép tủy diễn ra thành công, cả 2 chị em đều ổn định sức khỏe và hồi phục tốt" - TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương cho hay.
Sau ghép tế bào gốc, bé V.A được theo dõi đặc biệt chống thải ghép tại Khoa Hồi sức Ngoại. Khoảng 1 tháng sau khi nhận được tủy từ em gái ruột, bé V.A được chuyển đến Khoa Huyết học Lâm sàng để tiếp tục theo dõi và điều trị. Sau 30 ngày ghép tủy, sức khỏe của bé đã ổn định, số lượng bạch cầu tăng dần.
Gần 2 tháng sau ghép, tủy mới đã phát triển trong cơ thể bé đạt đến 94%. Các xét nghiệm cho kết quả trong giới hạn bình thường, bé được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình và các y bác sĩ.
T.S.BS Nguyễn Thị Mai Hương cho biết thêm: Kể từ ca ghép tủy đầu tiên năm 2006, cho đến nay, đã có rất nhiều bệnh nhi thuộc nhiều nhóm bệnh khác nhau như suy tủy, tan máu bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp nặng, Wishkott Aldrich, giảm chức năng bạch cầu hạt, u nguyên bào thần kinh, teo đường mật bẩm sinh được điều trị/hỗ trợ điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tại bệnh viện.
Bên cạnh việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh. Ngân hàng tế bào gốc - máu cuống rốn, Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập từ năm 2010 nhằm lưu trữ các mẫu máu cuống rốn cho khách hàng có nhu cầu. Cho đến nay, đã lưu trữ an toàn hàng nghìn mẫu máu cuống rốn, một số trong các mẫu đó đã được sử dụng để ghép để điều trị cho các bệnh nhi là anh chị em trong gia đình không may bị bệnh.