Nếu những sợi tóc thật làm nên búi tóc của phụ nữ Mông Hoa vùng Lào Cai, Điện Biên thì búi tóc của phụ nữ Hà Nhì đen vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nhưng lại là rễ cây, dây rừng hay sợi len. Tóc đệm thêm của phụ nữ Mông được tích lũy lâu dài, bền bỉ từ những sợi tóc rụng của bà, của mẹ và của con gái mỗi khi chải tóc. Tóc được tích lũy dần từ những lọn được tết lại thành bộ tóc dày và dài. Vào những lễ hội, ngày vui của cộng đồng, phụ nữ Mông và Hà Nhì đen búi tóc này lên đầu, càng to càng được đánh giá là đẹp và được cộng đồng ngưỡng mộ.
Búi tóc ngược của phụ nữ Thái được tạo ra từ những lọn tóc thật trên đầu mà không đệm thêm và chỉ dành cho phụ nữ đã có chồng. Điều đặc biệt, đồng bào có cả một nghi lễ quan trọng, linh thiêng để được búi tóc bằng lễ búi tóc ngược (tiếng Thái là “tằng cẩu hay khửu cẩu”). Như vậy, tóc búi còn là dấu hiệu để thể hiện những khác biệt về tuổi tác và tình trạng hôn nhân.
Để có búi tóc đẹp, phụ nữ Hà Nhì phải độn thêm cho mái tóc dày dặn hơn từ các loại cây lấy từ trong rừng tước nhỏ, nhuộm đen nhưng hiện nay đã được thay thế bằng các loại sợi len. Ngày thường cũng như ngày hội, họ đều không rời bộ tóc giả này và luôn mang theo chiếc lược nhỏ để chải và chỉnh tóc chỉn chu, gọn gàng. Dấu hiệu đội tóc chính giữa đầu và có thêm mảnh khăn trên cùng là phụ nữ đã có chồng. Tóc và khăn đội lệch 1 bên là các cô gái chưa chồng.
Dù có những sự khác biệt nhất định như chính sự đa dạng, phong phú của nét văn hóa riêng của các cộng đồng dân tộc Việt Nam nhưng búi tóc truyền thống của phụ nữ vùng cao phía Bắc chứa đựng trong đó giá trị thẩm mỹ, phong tục và là nét văn hóa độc đáo.
|
|
|