“Bao năm ở trong nhà, tôi ra ngoài này hít thở. Thấy nắng lên thì thèm đi ra ngoài, thèm được thở, được nhìn và đi chợ như người bình thường lắm.
Chiếc xe dã chiến của Tỉnh ủy Cao Bằng phải khựng lại, đỗ dưới gốc cây mơ già, anh Đoàn (lái xe) mang cơm nắm chống đói ra, kiên nhẫn ngồi chờ chúng tôi đi bộ leo núi. Bởi anh biết, đường vào bản và đường thoát khỏi bản còn thăm thẳm vô cùng.
Trong thung lũng vắng vẻ nở rợp trời hoa bướm trắng kia, có hai ngôi nhà gianh tre cô quạnh, lụp xụp. Nhà gần hơn là của Bàn Mùi Phạm - con gái bà Chài, nhà chếch phía xa là của cặp vợ chồng già cô quạnh, nơi cư ngụ của bà Triệu Mùi Chài, ngoài 60 tuổi, một hồng nhan đa truân, từng nổi danh tài sắc, bỗng nhiên mang “gương mặt quỷ” suốt… 25 năm qua.
4 đời chồng, sinh được 5 đứa con, nhưng không người con nào nuôi dưỡng bà Chài cả. Điều đáng nghiên cứu hơn, là bà Chài không phải là “sơn nữ” duy nhất vấp phải căn bệnh quái ác này.
Có phải một nguồn gene lạ nào đó, một phóng xạ nào đó hay một lý do địa vật lý - sinh cảnh nào khác nữa đã sinh ra không ít người có gương mặt kiểu đó? Đồng hương Nguyên Bình của bà Chài có chị Lý Mùi Xiên, xã bên, cũng trở thành người “ai gặp cũng bỏ chạy”.
Gương mặt có thể khiến bất cứ ai hoảng hốt hoặc mất ngủ vì ám ảnh
Gọi bà Triệu Mùi Chài là người đàn bà với “gương mặt quỷ” có tàn ác quá không? Bà Chài từng xinh đẹp, từng làm chao đảo bao ông cán bộ và nhiều trai bản ở khắp vùng này. Bà đứng đắn, nhưng số phận lại cứ “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” là thế. Bà trải qua 3 đời chồng, đang ở với ông cụ hiện nay là chồng thứ 4.
Bà từng làm nghề chạy chợ, biết giao thiệp, ăn nói sắc sảo khôn ngoan, ứng xử nhỏ nhẹ, gương mặt ưa nhìn, nói tiếng Kinh sõi nhất cái bản Pắc Tăng này, vì thế nên lắm ông phải lòng bà. Bức ảnh bà mặc áo dài của người miền ngược, vấn thêm cái khăn đỏ đang treo trên tường nhà, rất đẹp. Nó quá đẹp so với gương mặt (dù không muốn vẫn phải nói là) khủng khiếp của bà hiện nay.
Chân dung bà Triệu Mùi Chài hồi chưa bị bệnh và khối u khổng lồ, kinh dị hiện tại. |
Bà Chài gầy guộc ở tuổi ngoài 60, bà nói tiếng Kinh chậm chạp nhưng khả năng sử dụng ngôn từ khá rành mạch, khúc chiết. Bà thấp bé, trừ khuôn mặt có khối u khổng lồ thì việc ăn mặc của bà cũng khá là có thẩm mỹ.
Tuy nhiên, chẳng ai để ý vào bất cứ điều gì kể trên của bà nữa. Bởi khối u to hơn cả cái đầu choán hết khuôn mặt, chèn ép mất cả cái mũi bà Chèm trong khối thịt, da, bã đậu hay mủ căng mọng, vằn đỏ các tia máu đó. Bà hầu như không thở được bằng mũi nữa, bởi cái mũi chỉ còn là dải thịt mỏng dẹt giữa khối u to đùng và gương mặt thời trẻ.
Trừ bà ra, có lẽ, không một ai có thể hình dung mũi của bà bây giờ nằm ở đâu. Vì thế bà không thể nào thở được bằng mũi, thở bằng miệng cũng khó. Bởi miệng bà bị khối u nặng hơn hộp sọ, to hơn gương mặt (lại mềm mụp chảy nhẽo) kia trùm kín.
Bữa đến, bà sẽ lách đôi đũa từ phía tay phải của mình vào chân của khối u dài, to; bà cố cụ cựa để lật ngửa cục thịt lất lểu khoảng 3-4kg đó ra phía trước, rồi khoảng nối giữa khối u và gương mặt xưa kia của bà sẽ hiện ra là… cái miệng. Mỗi lần “và”, “đút” là vài hạt cơm lại đi theo cái đũa chui vào khe vốn là cái miệng đó.
Đi tìm con mắt vẫn tồn tại trên gương mặt
Cả gương mặt bà Chài chỉ có con mắt bên phải, với góc khoang má một mảnh của vừng trán là còn ở tương đối gần vị trí vốn có. Bởi cả da trán, da mặt đều bị căng vẹo, xô lệch do khối u chèn ép. Mũi thì biến mất, miệng thì bị giấu kín đến mức ai cũng phải cố lắm mới hình dung nổi nó nằm ở đâu.
Đặc biệt đáng sợ, đáng ám ảnh và thương xót hơn là con mắt bên trái của bà Chài. Vì khối u dài ra, chia làm hai cục hơi tròn thuôn “đính” vào giữa gương nặt (hơi chếch sang bên trái) của người đàn bà tội nghiệp, thế nên mắt bên phải không bị chèn. Bà nhìn đời bằng cái nhìn của một sinh vật có mũi, có mõm, có sừng to dài giữa mặt, giữa xương sọ mà hai bên là hai con mắt.
Mỗi con mắt nhìn về một phía. Ví như con bò, hai mắt ở hai bên má, hai bên hộp sọ, mỗi mắt nhìn gần như một nửa không gian của thế giới mà nó có thể nhìn thấy. Bà Chài nhìn đời bằng một con mắt, chỉ nhìn được khoảng không bên phải của bà, mắt phải không nhìn sang được bên trái, vì khối u to mấy kilôgam và dài mấy chục xăng-ti-mét mọc từ mặt mũi bà nhô thẳng ra phía trước như cái sừng vằn vện các tia máu.
Bữa cơm tội nghiệp của vợ chồng bà Chài trong căn lều rách nát. |
Vậy, mắt bên trái của bà đi đằng nào? Ít người có dũng khí nhìn lâu vào gương mặt đầy máu mủ và các u cục, kỳ dị quái đản của người đàn bà tử tế và tội nghiệp đó. Nếu nó nằm ở hốc mắt cha sinh mẹ dưỡng, “trời ban núi rừng tặng” của bà như xưa, thì hốc ấy ở sâu trong lòng khối u khoảng 20-30cm. Nhưng thật ra mắt bà đã lồi, bị đẩy ra vị trí nóc, chóp của khối u khổng lồ, nó cách hốc mắt trên xương sọ khoảng 30cm.
Dấu tích của con mắt ấy bây giờ là một khoảng thịt của khối u, đã bị sức căng của bọc thịt hoặc bã đậu nó làm vỡ ra hình ô trám, bị căng to nhiều lần so với con mắt người bình thường. Người đối diện sẽ nhìn thấy ở rìa/thành vách bên phải của khối u có một cái hốc, lúc nào máu mủ cũng rỉ ra, đỏ lòm. Mắt bà Chài biến mất trong đó. Hố dấu tích của mắt đó không có chức năng nhìn nữa.
Nó chỉ rỉ máu, thỉnh thoảng bà lại lấy bàn tay nhăn nheo của mình giơ ra phía trước, để lau máu mủ đang chảy ở cái hố hình con mắt. Bà đỡ khối u, xốc nó lên, kẻo nó nặng quá, khiến mặt bà đau nhức. Bà nâng khối u bằng hai tay, để cái miệng hiện ra giữa khe của khuôn mặt cũ và các cục thịt mọc suốt 25 năm qua, để có thể ăn, uống một cách khó nhọc, từng ngụm nước, từng hạt cơm.
Đêm nào cũng nằm cầu Trời “cho con được chết sớm đi”!
Bệnh của bà Chài, gần giống như của bà Lý Mùi Xiên, cũng người dân tộc Dao, cũng ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng này. Nhưng hai mắt chị Xiên lồi ra ngoài khối u, dù xa gương mặt cũ hàng chục xăng-ti-mét, nhưng nó vẫn có chức năng nhìn (xem ảnh).
Và các nhà báo, các nhà hảo tâm đã từng đứng ra vận động được tới 400 triệu đồng để đưa bà Xiên cùng người chăm sóc, vượt núi xuống Hà Nội chữa bệnh. Bà Xiên được cứu, cắt bỏ khối u trùm kín khuôn mặt và bây giờ bà Xiên đã sống bình thường với gương mặt không còn quá “đáng sợ” như cũ nữa.
Khi chúng tôi đến xóm Tắc Căng, bà Chài đang lần mò ra rìa núi trước nhà để nhìn mặt trời, để nâng khối u trước mắt lên cho cái miệng có thể hít không khí vào mà sống sót. Không còn mũi nữa, nên cái miệng vừa ăn, uống, nói, khóc và thở hết sức khó nhọc. Sự sống của bà chỉ còn mong manh. Bà bảo, nằm ngủ không khéo mà cục thịt khổng lồ mọng nước kia nó ụp vào che mất miệng, là ngủ mãi mãi luôn.
Miếng thịt chai sần bé tẹo ở bên phải bà Chài, là dấu tích của vành môi. Hỏi, bà đi đâu đấy? “Bao năm ở trong nhà, tôi ra ngoài này hít thở. Thấy nắng lên thì thèm đi ra ngoài, thèm được thở, được nhìn và đi chợ như người bình thường lắm. Bây giờ yếu không đi chợ huyện được nữa. Nhưng từ lâu rồi, lúc chưa yếu, cũng chả dám đi chợ.
Mỗi lần đi họ nhìn mình họ cứ bỏ chạy, thế là tôi phải cuốn cái khăn vào khối u, đi ra chợ bằng một con mắt, đi nghiêng người thì mới nhìn đường được”. Hỏi, bà có muốn đi chữa bệnh không? “Bệnh này không chữa được đâu. Đi viện rồi mà họ lại bảo đi về mà. Chắc vì tôi không có tiền nộp nên họ cho về, hoặc bệnh này Trời không cứu được nữa rồi.
Giờ tôi chỉ muốn chết thôi, nhưng không lẽ lại tự tử. Tôi sắp chết rồi. Cái mặt này, đêm nào nó cũng đau đớn chết đi sống lại ấy. Cứ để tự khi nào ông trời bảo chết thì sẽ chết, đêm nằm tôi cứ cầu cho được chết sớm thì sẽ đỡ khổ”.
Hỏi, bệnh của bà có thể chữa được, chúng tôi và các nhà hảo tâm khác đã đưa chị Lý Mùi Xiên, người cũng bị bệnh như chị ở quê chị này, đã về Hà Nội cắt bỏ khối u và mặt bây giờ gần như người bình thường rồi. “Thật không? Tôi nghèo lắm. Không có tiền đi chữa bệnh, cũng không có tiền ăn để đi bộ rồi bắt xe về tỉnh đâu. Đi một lần, giờ sợ bệnh viện rồi”.
Bà Chài không biết rằng, nhóm Cao Bằng Discovery và các nhà báo chúng tôi đã phải vận động rất vất vả, trực tiếp đưa bà Xiên về Hà Nội, tiền của các nhà hảo tâm lên tới 400 triệu đồng thì mới có được cuộc phẫu thuật tôi vừa kể ở trên. Số tiền 400.000 đồng cũng là khoản tiền không bao giờ bà Chài và ông chồng Bàn Cùi Giảo, 70 tuổi ngồi lù khù hút thuốc lào như con mèo hen kia dám ước mơ tới, chứ nói gì tới 400 triệu.
Chân dung chị Lý Mùi Xiên và khối u “mặt quỷ” trước và sau khi được phẫu thuật. |
Hỏi, bà có bao nhiêu đời chồng rồi. “Ba lần lấy chồng rồi. Ông này là 4. Lấy chồng lấy vợ nhiều là không tốt đâu”. Trong xóm Tắc Căng, theo chi hội trưởng phụ nữ Bàn Mùi Viện, thì đã có người đồn thổi là bà Chài bị ma làm, bị báo oán, do bà có nhiều chồng quá. Nhưng chính Viện và chúng tôi đều hiểu, lời đồn quái ác ấy có nguyên do thật sự của nó.
Vì bà Chài xưa kia rất đẹp, tốt người khéo nết. Nhiều cán bộ vùng xuôi lên công tác, cả trai bản nữa, nhiều người đắm đuối với bà. Bà đứng đắn, nhưng nội trong cái việc có nhiều người mê đắm đã là tai tiếng rồi. Chồng bà, có người ở với bà rồi bỏ đi, có người chết trẻ, có người không hợp nhau rồi chia tay. Bà không bắt cá hai tay, cũng không lừa lọc ai, duyên số trời định, bà chẳng oán thán gì.
“Chồng thì mấy lần như thế, nhưng nói ra làm gì. Người ta về với vợ người ta rồi, cho nó qua chuyện đi. Bố con bé Bàn Mùi Phạm này (Phạm, con gái bà, bế con từ nhà kế bên sang góp chuyện) là con của ông chồng trước, đẻ nó xong thì ông ấy chết.
Ông Cùi Giảo này có vợ rồi, nhưng vợ chết. Nhà ông ấy ở đầu núi bên kia. Tôi đi kiếm củi qua, thấy ông ấy nằm ru con, hôm nào cũng ru con. Ông ấy đi qua đây để xuống chợ, cũng lại thấy tôi nằm ru con. Người chồng chết, người vợ chết, về ở với nhau.
Đẻ được một đứa con trai, bây giờ nó bỏ đi miền Nam rồi, nó mang theo cả đứa cháu của tôi đi. Tôi ngăn không cho nó bỏ đi, thì nó chửi tôi. Hay là nó không ở lại vì sợ mang tiếng có bà mẹ với gương mặt như tôi” bà khóc. Tiếng khóc nghẹn, thỉnh thoảng nấc lên yếu ớt.
Bà đưa tay vò đầu bứt khối u, bà cố sức nâng “gương mặt” khổng lồ của mình ra để có thể thở được bằng miệng - đường thở duy nhất còn lại. Cứ khóc, đay đi đay lại chuyện con cái bỏ xứ ra đi, có lẽ, với bà Chài, nỗi đau con cháu bỏ đi, là thứ nhức buốt khủng khiếp hơn cả bệnh tật.
Xin hãy cứu sống bà Chài và cần sớm nghiên cứu, điều trị căn bệnh “mặt quỷ”
Cuộc sống của bà Chài tuyệt vọng vì đói khát, chum thóc gạo nhà bà, ăn dần đã 3 năm, gạo mốc xì lên. Bữa đến, vợ chồng già tự nấu cơm, cơm ăn với muối, không một thứ gì khác làm thức ăn, ngoài mấy lá rau rừng.
Ông Bế Xuân Tiến - Bí thư huyện ủy Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - cho biết: Chúng tôi rất trăn trở về trường hợp bệnh tật quái ác này, huyện đã biết và đã vận dụng chính sách giúp đỡ bà Chài có tiền sống qua ngày, nhưng việc sửa căn nhà nát cho bà, việc đưa bà đi chữa bệnh hiểm nghèo ở Hà Nội tốn hàng trăm triệu đồng (như trường hợp tương tự của bà Lý Mùi Xiên) quả là không dễ với một địa phương nghèo.
Ông muốn kêu gọi các nhà hảo tâm cùng chung tay với huyện để cứu người đàn bà dân tộc Dao tận khổ này. Chi hội trưởng phụ nữ bản Tắc Căng, chị Triệu Mùi Viện nói: Chị thương bà Chài vô cùng, nhưng chẳng biết làm gì để giúp. Sửa nhà cho bà, làm nương giúp bà, thì chị em cũng chỉ biết giúp vài công thôi. Bản thân họ quá nghèo. “Bà Chài không làm gì được, muốn xuống chợ huyện phải úp cái khăn vào mặt kẻo người ta sợ sẽ bỏ chạy khi thấy mình. Bà cũng không ăn được, không thở được.
Không lẽ bà ta phải nằm chờ cái chết đến… trong ít ngày nữa?”, nói rồi, chị Viện khóc thút thít. Bà Chài cũng khóc, các nhà báo chúng tôi cũng nghẹn lời. Bà Chài xin phép ra bìa núi phơi thóc, ra chuồng chênh vênh dốc đá cho đàn lợn con ăn, bà vẫn làm lụng trong lẩy bẩy đau đớn như một người phụ nữ vùng cao bình thường. Bởi đơn giản, không làm thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà nuôi ông chồng thứ 4 đang tựa đầu vào vách nhà rách nát, ngồi hút thuốc lào vặt ở tuổi ngoại thất tuần kia!
Dư luận cũng đồn thổi nhiều về các mỏ quặng có phóng xạ, rồi các nguyên nhân khác gây bệnh “gương mặt quỷ” ở địa phương; cán bộ cơ sở cũng cho chúng tôi biết nhiều gương mặt tội nghiệp kỳ dị khác mà họ trông thấy trong mỗi phiên chợ huyện, vậy là chuyện của bà Mùi Chài, Mùi Xiên không phải là hy hữu.
Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có một điều tra nghiêm túc về tình trạng này, cũng như có kế hoạch kịp thời cảnh báo, cứu chữa cho những con người quá nghèo, quá thiệt thòi về nhiều mặt. Nếu 25 năm trước, khi khối u của bà Chài chỉ bằng ngón tay ở má, nếu y tế cơ sở giúp bà chữa trị, thì nỗi khổ của bà không đeo đẳng biết bao năm qua. Muộn còn hơn không!
Qua báo Lao Động, chúng tôi cũng muốn kêu gọi lòng hảo tâm của độc giả trong và ngoài nước, chúng ta hãy làm một cái gì đó, hãy đưa bà đi viện để vãn hồi lại sự sống đang dần mong manh quá mức của bà Triệu Mùi Chài. Quý độc giả có thể liên lạc với Quỹ Tấm Lòng Vàng, Báo Lao Động, “hoặc thông tin với ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, số ĐT: 0979651388 để có thể trao đổi, tư vấn, giúp đỡ bà Chài”.