Dứt cảnh khách đi xe bus bị mời xuống vì trả 50.000 đồng

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cảnh khách lên xe bus bị mời xuống vì trả 50.000 đồng có thể sẽ được chấm dứt khi thẻ điện tử được đưa vào sử dụng.

Dứt cảnh khách đi xe bus bị mời xuống vì trả 50.000 đồng

Phát biểu tại diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2016, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết mong muốn của người dân rất đơn giản là được dùng dịch vụ giao thông công cộng.

Theo ông Cường, ở TP HCM hiện tại có 150 tuyến xe buýt với 1.300 xe, phục vụ 800.000 người nhưng lại phát sinh những bất cập như người dân đi xe khách, bỏ xe bus.

Do đó, ông cho rằng để người dân tham gia dịch vụ vận tải công cộng, điều đầu tiên phương tiện phải thuận lợi, an toàn. Tiếp theo, chi phí công cộng phải hợp lý, rẻ hơn xe cá nhân và có sự thuận lợi trong thanh toán.

Ông Cường lấy ví dụ trước đây có tình trạng hành khách lên xe bus trả 50.000 đồng nhưng bị mời xuống vì vé xe đi từ dưới 10 km là 5.000 đồng, trên 6 km thì phải có tiền lẻ.

“Tôi đi thực tế thấy có người rút 50.000 đồng, trong khi lái xe vừa lái, vừa bán vé thì làm sao thối lại được tiền. Giờ nếu có thẻ điện tử để dùng dịch vụ công cộng thì sẽ rất thuận tiện cho người dùng”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho hay.

Dut canh khach di xe bus bi moi xuong vi tra 50.000 dong - Anh 1

Đi xe bus, hành khách bị mời xuống xe vì trả 50.000 đồng. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Với tư cách người dân tham gia giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam bày tỏ mong muốn bất kỳ người dân nào tham gia giao thông đều muốn "đi đến nơi, về đến chốn", thuận tiện chứ không bị gây khó khăn. Đặc biệt, tiện nghi dịch vụ phải văn minh lịch sự.

"Người dân bỏ tiền ra mua dịch vụ giao thông thì phải được trả lại đúng tiền họ bỏ ra: rẻ nhất, công khai, minh bạch nhất", ông Nguyễn Văn Thanh nói.

Ngoài an toàn, ông Thanh còn cho biết thêm ai cũng muốn có một loại thẻ thống nhất dùng trong tất cả các loại phương tiện giao thông. "Người dân muốn được rút ngắn thời gian tham gia giao thông, mong muốn hết sức đơn giản vậy thôi", vị này nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi liệu người dân có cần mở 2 tài khoản: một tài đi đường cao tốc, một tài khoản đi đường đô thị hay không, sắp tới sự liên thông giữa 2 tài khoản này thế nào, ông Bùi Xuân Cường cho biết TP.HCM đang quản lý các hợp đồng thu phí BOT trên Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh... Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư lại sử dụng công nghệ thu phí khác nhau. Lãnh đạo Sở Giao thông TP.HCM cho hay trong tháng 12 cơ quan này sẽ mở thầu vé thông minh trên hệ thống xe bus ở TP.HCM, chuyển vé giấy sang vé thông minh.

Dự kiến, TP.HCM sẽ có khoảng 2.000 xe bus chuyển sang hệ thống vé thông minh và người dân sẽ được trợ giá.

Trước mắt, do hệ thống công nghệ và kết nối chưa thể liên thông, giám đốc Sở Giao thông TP.HCM cho rằng mấu chốt là ứng dụng đầu đọc thẻ phải đọc được nhiều loại thẻ khác nhau. "Nếu đầu đọc thẻ chấp nhận và đọc được tất cả các loại thẻ, thì người dân dù có nhiều loại thẻ vẫn tham gia giao thông được", ông Cường nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng lĩnh vực giao thông có nhiều dịch vụ phải thanh toán. Hình thức đầu tư BOT nhiều quốc gia triển khai, kể cả Mỹ đường cao tốc cũng thu phí nhưng cách thu phí của họ khác Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đưa ra 3 lộ trình thu phí. Giai đoạn một là thu phí không dừng nhưng vẫn cần barie, điều này thì vẫn mất thời gian. Việt Nam phải nạp tiền, đảm bảo có tiền rồi thì barie mới mở cửa.

Giai đoạn 2 là không cần người ở trạm thu phí mà chỉ có đầu đọc và đầu thu. Giai đoạn 3 còn cao hơn nữa qua ETC như ở Nhật Bản, tức là người lái xe thông qua trạm thu phí mà không cần phải dừng lại.

Tuy nhiên, theo ông Trường, Việt Nam cần phải có quá trình. Việt Nam đang ở giai đoạn 1 và phấn đấu đến năm 2019 bỏ hẳn barie. "Gần đây Chính phủ còn chỉ đạo nghiên cứu loại hình thu phí theo kiểu trả sau như điện thoại trả sau, đi trước nạp tiền sau. Trước đây mới có trả trước", ông Trường khẳng định.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ