Đường xấu vẫn thu phí!

GD&TĐ - Cần phải khẳng định rằng nhà đầu tư đặt các trạm thu phí cũng giống như người bán hàng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cách đây khoảng 10 ngày, Cục Đường bộ Việt Nam phát thông báo gửi lãnh đạo Trạm thu phí BOT Nam Bình Định với nội dung là đến ngày 10/4 sẽ cho tạm dừng thu phí nếu chủ đầu tư không sửa chữa đoạn đường mà họ thi công và quản lý do đang hỏng hóc, gây ách tắc giao thông.

Đúng ngày 10/4, chủ đầu tư Trạm BOT này đã khắc phục xong những chỗ hỏng hóc. Nghĩa là, việc thu phí của trạm này tiếp tục… thông suốt.

Đây không phải là lần đầu tiên, đoạn đường mà chủ đầu tư dự án BOT Nam Bình Định do liên danh Công ty CP Đầu tư năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn và Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng đầu tư bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.

Liên tục trong nhiều năm qua, khách đi trên tuyến Quốc lộ 1A qua đoạn phía Nam tỉnh Bình Định và phía Bắc tỉnh Phú Yên đều ngán ngẩm cho chất lượng của công trình.

Các chủ đầu tư đều nại hết lý do này đến lý do khác để chây ỳ không chịu khắc phục những chỗ đã hỏng hóc, trong khi tiền qua trạm thu phí thì không giảm đồng nào.

Mỗi lần nghe cánh lái xe kêu ca, báo chí phản ánh thì Cục Đường bộ Việt Nam mới nhắc nhở hoặc “ra roi” nhưng nặng tính hình thức hơn là thực chất. Vì nhà đầu tư sẽ cho xe chuyên dụng đắp vá những chỗ hư hỏng theo kiểu “cho qua chuyện”, sau vài tháng, chỗ vá ấy lại bong lên. Dân tiếp tục kêu, cơ quan quản lý tiếp tục “tuýt còi”.

Cần phải khẳng định rằng nhà đầu tư đặt các trạm thu phí cũng giống như người bán hàng. Sản phẩm hàng hóa (ở đây là con đường) của anh phải tốt tương xứng với đồng tiền mà người mua bỏ ra.

Anh không thể để một con đường đầy hầm hố và bong tróc như thế mà vẫn cứ ung dung thu tiền của khách được. Còn khách thì không còn lựa chọn nào khác nên buộc phải đi trên những cung đường đầy ổ trâu, ổ chó như vậy trong bực bội nhưng vẫn phải trả tiền.

Tương tự, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, không đến nỗi “ổ gà, ổ voi” như tuyến Quốc lộ 1, song chất lượng con đường thì hoàn toàn không tương xứng với số tiền mà khách bỏ ra.

Suốt tuyến đường 130km mà không có một chỗ dừng chân nào, nếu có chăng cũng chỉ là rất tạm bợ, khách cứ đứng giữa trời mà… xả chất thải. Phụ nữ đi trên tuyến cao tốc này sẽ lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi phải làm cái việc chẳng đặng đừng ấy trước mắt khách đi đường.

Còn nếu tài xế chọn chỗ tương đối kín đáo một chút, như gần khu rừng chẳng hạn, thì thế nào cũng bị cảnh sát giao thông tuýt còi bắt nộp phạt vì cái lỗi “dừng đỗ không đúng chỗ” sau khi họ kiểm tra camera an ninh dọc đường.

Nhà đầu tư trên các tuyến quốc lộ hoặc cao tốc luôn luôn đẩy cái khó về phía người dân. Trong khi cơ quan chủ quản là Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam thì gần như chỉ “quan tâm” một khi dân chúng chịu hết nổi và kêu trời. Mỗi lần được nhắc nhở như thế, các chủ đầu tư lại “rút kinh nghiệm sâu sắc” bằng cách khắc phục qua loa rồi đâu lại vào đấy.

Đã đến lúc cơ quan chủ quản cần quyết liệt hơn với ông chủ của các trạm thu phí chứ không thể để người dân đi trên những cung đường kém chất lượng mà vẫn phải trả phí cao như lâu nay được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ