Nâng cấp đê có bảo đảm an toàn chống lũ?
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Bộ này thống nhất với đề nghị của thành phố về việc nâng cấp đê hiện có bảo đảm an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu về giao thông. Quy hoạch xây dựng về đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ; Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có; Không xây dựng đê bối mới.
Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội chỉ đạo triển khai sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định của Quy hoạch 257. Bộ cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu về đầu tư nâng cấp củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch. Trong đó ưu tiên xử lý những vị trí trọng điểm, xung yếu như cống Liên Mạc, khu vực đê Hải Bối… Nghiên cứu quy hoạch hệ thống kè, chỉnh trị dòng chảy kết hợp chỉnh trang bờ bãi sông. Xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phần mềm quản lý giám sát hệ thống đê điều…
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, vấn đề cần quan tâm đặc biệt là quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ. Đây là nội dung các quy hoạch, dự án trước đây đã có đề cập, phân tích các kịch bản, lựa chọn thế sông ổn định (quy luật sông Hồng có biến đổi về dòng chảy) với tác động của biến đổi khí hậu và biến động từ thượng nguồn (ở Trung Quốc). Từ lựa chọn dòng chảy ổn định thì việc đánh giá hiện trạng mặt nước, đất bãi, dân cư… mới có cơ sở và từ đó chọn các giải pháp quy hoạch hợp lý.
Bởi vậy, theo ông Nghiêm, cùng với việc đợi ý kiến thống nhất từ Bộ NN&PTNT, Hà Nội cũng nên trao đổi lấy ý kiến của các tỉnh lân cận có dòng sông chảy qua để ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững. Tiếp đó nên có khảo sát kết quả và cơ sở khoa học của các dự án, quy hoạch và đề tài nghiên cứu quy hoạch liên quan đã có trước đây. Những nghiên cứu trước đó cho thấy có những tồn tại nhưng cũng có những kết quả có thể kế thừa được. Nêu được nội dung này sẽ có sức thuyết phục khi thẩm định, phê duyệt đề án quy hoạch phân khu lần này.
Phải đề phòng những tình huống bất thường
GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, khi thực hiện quy hoạch sông Hồng, mấu chốt nhất là phải bảo vệ được hành lang thoát lũ. Không gian thoát lũ được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê. Không xây dựng đường ở trong không gian thoát lũ. Điều quan trọng là phải tính được lòng sông chứa được bao nhiêu lũ. Trước đây đã có những vùng phân lũ, chậm lũ. Nhưng giờ không còn và chỉ trông vào thoát lũ sông Đáy. Nhưng thoát lũ sông Đáy nhỏ, trước kia 5.000 m3/s, giờ chỉ còn khoảng 2.500 m3/s, cho nên yêu cầu lòng sông phải chứa được lũ.
Kể lại về sự cố mưa lớn khiến Hà Nội suýt ngập năm 1996, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết, mưa lớn cực đoan rất khó dự báo. Trong xu thế biến đổi khí hậu như hiện nay, ngay cả các nước có khoa học dự báo phát triển rất cao cũng không thể dự báo chính xác. Việc đề phòng các tình huống xấu do thiên tai mang lại phải tính đến. Thời điểm năm 1996, mưa rất lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ nhưng lại không mưa ở thượng nguồn, triều lúc đó lại dâng cao, dự báo bão sắp vào. Khi ấy, nước sông Hồng dâng lên chỉ cách đỉnh đê khoảng 20cm.
“Đó là tình huống khẩn cấp và nguy hiểm. Chúng tôi đề xuất phương án xử lý cho phân lũ xuống Đập Đáy (Đan Phượng – Hà Nội) để giảm áp lực lũ xuống đê khu vực nội đô. May mắn sau đó thì lũ rút. Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường, không có trong tính toán kế hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ đó”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhớ lại.
Quy hoạch sông Hồng phải làm sao để hành lang thoát lũ không ảnh hưởng. Quy hoạch phải bảo đảm thoát được lũ, tính đến các phương án bất thường như trên thượng nguồn bị vỡ hồ chứa, thì phải bảo vệ được Hà Nội.
GS.TS Trương Đình Dụ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, nếu xây dựng 2 tuyến đường ven sông với cao trình mặt đường +12,0 như đề xuất của Hà Nội thì khi lũ về sẽ thu hẹp dòng chảy. Cho nên, chỉ nên củng cố, hiện đại hóa hệ thống 2 đê hiện nay, có thể bê tông hóa, mở rộng chiều rộng xe chạy còn cao độ vẫn giữ nguyên. Hai tuyến đường xây dựng song song sát với bờ sông bằng cao độ bãi hiện nay, có thể làm thêm những đường nhánh nhỏ hơn, song song với đường chính (đê) để khi có lũ thì thành dòng tự chảy. Trước đây, Hà Nội đã xén, hạ thấp mặt đê để mở rộng mặt đường Nghi Tàm. Khi ấy, thành phố làm rất cẩn thận, đê bê tông, có cả hệ thống cọc cừ cắm sâu xuống.
Hiện nay, đê hai bờ sông Hồng có điểm không hợp lý. Có nơi khoảng cách giữa hai đê rất hẹp, chỉ chừng 1,1km, như đoạn ở cầu Long Biên, song cũng có nơi khoảng cách rất rộng, lên tới 5km. Do vậy, phải chỉnh trị lại cho hợp lý, nơi hẹp thì mở rộng ra, nơi rộng thì thu hẹp lại.