Theo Cục Đường sắt Việt Nam, nhu cầu tham gia giao thông của người dân trong thời gian trước, trong và sau dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sẽ gia tăng; mật độ phương tiện, tần suất phương tiện qua lại tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt.
Vì vậy, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh/thành phố có đường sắt đi qua tăng cường kiểm tra đôn đốc các hãng taxi, các chủ doanh nghiệp có sử dụng lái xe, phương tiện cơ giới tham gia giao thông nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện giao thông khi đi qua điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời biển báo hiệu đường bộ còn thiếu, mất, hỏng tại các đường ngang do địa phương quản lý; xây dựng vạch dừng, gồ, gờ giảm tốc trên phần đường bộ do địa phương quản lý tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ - đường sắt có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Tổ chức cảnh giới, chốt gác ATGT tại các lối đi tự mở có nguy cơ mất an toàn cao chưa thể rào, đóng được.
Tăng cường lực lượng công an, thanh tra giao thông và đơn vị chức năng đảm bảo an ninh, trật tự tại các nhà ga có lưu lượng hành khách đi tàu đông; tăng cường công tác phòng chống khủng bố, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát xếp hàng vượt tải trọng xếp hàng lên phương tiện giao thông trong phạm vi ga đường sắt.
Đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm ATGT đường sắt, đảm bảo chất lượng sửa chữa, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt; hạn chế thấp nhất các tai nạn, sự cố xảy ra do chủ quan.
Phối hợp với chính quyền địa phương giải tỏa tầm nhìn, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt tại các lối đi tự mở, hành lang ATGT đường sắt bị lấn chiếm. Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời giải quyết sự cố, tai nạn khi xảy ra nhằm khôi phục giao thông đường sắt nhanh nhất.
Đặc biệt tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong việc chấp hành các quy chuẩn, quy tắc, quy trình tác nghiệp kỹ thuật, nhất là của lực lượng nhân viên gác đường ngang, trực tại các điểm cảnh giới, chốt gác. Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm để xảy ra tai nạn chạy tàu do chủ quan gây ra.
Trong công tác tổ chức vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị tăng cường kiểm tra đôn đốc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga; đảm bảo chất lượng phương tiện đường sắt trước khi vận dụng, kiên quyết không đưa các phương tiện đầu máy, toa xe, đặc biệt là toa xe khách không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường vào khai thác.