Đường đua nóng của “gà mái mẹ” Trung Quốc

GD&TĐ - Lên lịch hàng ngày cho con theo từng 15 phút. Lùng sục các diễn đàn trực tuyến để tìm gia sư giỏi nhất là mô tả về phong cách nuôi dạy của phụ huynh “gà mái mẹ” Trung Quốc.

Phụ huynh đưa con đến trung tâm giáo dục tư nhân sau giờ học chính khóa.
Phụ huynh đưa con đến trung tâm giáo dục tư nhân sau giờ học chính khóa.

Họ bị ám ảnh về thành tích của con cái và không ngừng thúc đẩy con học tốt. Tuy nhiên, tư tưởng “gà mái mẹ” đang rơi vào tầm ngắm của giới chức Trung Quốc khi thực hiện chính sách “giảm kép”.

Lịch học thêm dày đặc

Khi con gái mới học mẫu giáo, chị Zhang Jieru, sống tại tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, đã thiết kế hoàn chỉnh lịch học thêm cả năm cho con, thậm chí là lịch học vào các dịp lễ, tết.

Bé Xiaomin, con gái chị Zhang, chủ yếu học piano, khiêu vũ và Tiếng Anh. Trong khi môn Ngữ âm tiếng Trung và Toán khá yếu nên chị Zhang đã xếp thêm lịch bổ túc vào kỳ nghỉ đông. Xiaomin đã không còn xa lạ với các trung tâm học thêm hay thời khóa biểu dày đặc. Trong các lớp này, em luôn có thể tìm thấy những người bạn tại trường mẫu giáo.

Trong khi Xiaomin đang học tiếng Anh thì ở một nơi khác tại tỉnh Quảng Châu, Deng Xiaoyu, học sinh lớp 12 đang học vẽ tại một trung tâm nghệ thuật. Ông Deng, cha của Xiaoyu, chia sẻ con trai học không tốt các môn xã hội nhưng lại thích nghệ thuật.

Gia đình ông quyết định thúc đẩy con phát triển khả năng nghệ thuật vì những học sinh có năng khiếu nghệ thuật sẽ chiếm ưu thế trong kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao. Dù vậy, Xiaoyu vẫn học thêm tiếng Anh và các môn xã hội với gia sư.

Đầu những năm 2000, “cha mẹ hổ” là xu hướng nuôi dạy con cái phổ biến tại Trung Quốc, thậm chí trở thành phương pháp chung cho nhiều quốc gia châu Á. Bắt nguồn từ chia sẻ của nữ Giáo sư người Mỹ gốc Hoa, Amy Chua, “cha mẹ hổ” là biểu tượng về sức mạnh và quyền lực của phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái.

Họ có quyền quyết định tuyệt đối trong mọi hành động của con như đưa ra yêu cầu vô cùng khắt khe trong học tập, có hình phạt cần thiết để thúc đẩy con cái nỗ lực.

Tuy nhiên, chuẩn mực nuôi dạy con cái của phụ huynh Trung Quốc đã thay đổi, không còn phụ thuộc vào các hình phạt hay yêu cầu trẻ nhất quyết phải nghe lời. Hiện nay, ngày càng nhiều phụ huynh Trung Quốc đi theo phương pháp “gà mái mẹ” (còn gọi là jiwa), được lan truyền trên các nhóm nuôi dạy con cái trên mạng xã hội WeChat.

Thuật ngữ này bắt nguồn từ một phương pháp điều trị y học cổ truyền Trung Quốc chưa được chứng minh từ những năm 1950, trong đó một người được tiêm tiết gà tươi sẽ kích thích nguồn năng lượng để làm việc năng suất.

Tương tự, nếu một đứa trẻ được bố mẹ không ngừng đốc thúc phát huy khả năng học tập hoặc nghệ thuật, em chắc chắn sẽ thành công. Tin vào điều này, các bậc phụ huynh đều đua nhau thực hành tư tưởng “gà mái mẹ” vì không muốn con mình tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa.

Cuộc đua không hồi kết

Học sinh Trung Quốc học thêm sau giờ học để cải thiện điểm số.
 Học sinh Trung Quốc học thêm sau giờ học để cải thiện điểm số.

Cuộc đua của các “gà mái mẹ” Trung Quốc bắt đầu ngay từ khi trẻ học mẫu giáo, thường phổ biến ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Tiếng Anh và Toán cấp tiểu học là hai môn học thêm được phụ huynh mẫu giáo lựa chọn nhiều nhất với chi phí dao động từ 80 - 150 USD mỗi giờ.

Nếu trẻ không yêu thích môn học thuật, cha mẹ lập tức chuyển hướng đăng ký các môn nghệ thuật, thể thao như khiêu vũ, võ thuật, bóng rổ… với chi phí tối thiểu là 3.000 USD một tháng.

Trong khi đó, nhiều gia đình sẵn sàng chi trả nhiều hơn để con cùng lúc tham gia lớp học thuật lẫn nghệ thuật nhằm tìm ra định hướng phù hợp. Nhưng mục tiêu chung của các lớp học thêm tư nhân từ mẫu giáo để chuẩn bị cho kỳ thi vào các trường trung học, đại học hàng đầu cả nước.

Ngay cả những phụ huynh từng tự hứa không chạy theo xu hướng nuôi dạy con cái trên mạng xã hội, nay cũng đang bị cuốn theo trào lưu này để bắt kịp với những kỳ vọng đặt lên thế hệ trẻ.

Trong một gia đình “gà mái mẹ”, các thành viên sẽ không bao giờ có đủ thời gian và năng lượng để thư thả. Ước tính, mỗi năm các gia đình chi khoảng 100.000 nhân dân tệ (khoảng 350 triệu đồng) cho các lớp học thêm của con.

Đây chỉ là con số trung bình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Nếu “gà mái mẹ” có tiêu chuẩn cao hơn, như vào trường quốc tế thì những chi phí đầu tư giáo dục con sẽ quá sức với các hộ gia đình trung lưu Trung Quốc. Chị Isabella Liang, mẹ của một đứa trẻ 9 tuổi sống tại thành phố Thượng Hải, cho biết: “Tôi chưa từng lên kế hoạch học thêm từ quá sớm cho con gái.

Nhưng tôi thấy quá nhiều cha mẹ khác khoe khoang về các lớp học ngoại khóa của con trên mạng xã hội. Điều này khiến tôi cảm thấy áp lực phải đăng ký cho con học tương tự”.

Giờ đây, con gái chị Isabella chơi thể thao, tham gia các lớp học vẽ. Bà mẹ dự kiến đăng ký cho con tham gia học hát vì giọng hát của cháu tương đối dễ nghe. Hai mẹ con đã thử học chơi golf, piano nhưng đành bỏ cuộc do bé không có đam mê.

Hoạt động “chui” tránh lệnh cấm

Phụ huynh Trung Quốc tin rằng, chỉ thành tích cao mới đem lại thành công trong cuộc sống.
Phụ huynh Trung Quốc tin rằng, chỉ thành tích cao mới đem lại thành công trong cuộc sống.
Theo ông Xiong Bingqi, trong những năm gầy đây, nhiều chuyên gia kêu gọi thay đổi hệ thống giáo dục quốc gia từ dựa trên điểm sang phát triển thế mạnh cá nhân. Nhưng cải cách này sẽ khó thành công trước tư tưởng “gà mái mẹ” bởi lẽ, giáo dục Trung Quốc vẫn chịu tác động quá lớn từ kỳ thi đại học gaokao. Nếu kỳ thi này vẫn tiếp tục diễn ra, đường đua sẽ không bao giờ “hạ nhiệt”.

Niềm tin vào sức mạnh của dạy thêm và khao khát con cái thành công đã thúc đẩy nhiều gia đình Trung Quốc chi trung bình từ 25 - 50% thu nhập cho các trung tâm giáo dục tư nhân. Những “gà mái mẹ” đang rơi vào tầm ngắm của Chính phủ Trung Quốc do phương pháp này khiến áp lực học tập của trẻ tăng cao; đồng thời, gây ra các bệnh về mắt, béo phì…

Nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh, vào tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách “giảm kép”, trong đó quy định chặt chẽ về việc giới hạn số lớp học thêm, thời gian học thêm mà phụ huynh có thể đăng ký cho con.

Các doanh nghiệp giáo dục phải đăng ký hoạt động dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận trong khi các trung tâm dạy thêm mới dành cho cấp TH, THCS không được cấp phép.

Những quy định mới được ban hành dường như chỉ khiến các “gà mái mẹ” quyết tâm hơn để tối đa hóa thành công của con cái. Khi các cơ sở dạy thêm bị cấm hoạt động, họ chuyển sang đăng ký lớp học “chui”.

Hình thức học thêm trực tiếp được che đậy là văn phòng trong các tòa cao ốc hoặc khu dân cư. Còn với hình thức học trực tuyến, giáo viên sẽ gửi tài liệu học online cho phụ huynh và giải đáp thắc mắc của học sinh bất cứ lúc nào thông qua tin nhắn.

Chính quyền các địa phương đang phải tăng tốc phát động chiến dịch kéo dài nhiều tháng để truy quét thị trường dạy thêm hoạt động ngầm. Tại tỉnh An Huy, mới đây cơ quan điều tra địa phương đã bất ngờ xông vào và bắt quả tang một giáo viên trường công đang dạy thêm tại nhà riêng. Tại tỉnh Hồ Bắc, chính quyền giao cho một bộ phận riêng chuyên chịu trách nhiệm gỡ bỏ các quảng cáo dạy thêm tràn lan ngoài đường phố.

Rainy Li, một phụ huynh sống tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết: “Những chính sách này chỉ khiến phụ huynh sẵn sàng lao vào cuộc ganh đua khốc liệt để tìm kiếm những cơ hội học thêm tốt nhất cho con cái.

Họ sẵn sàng cắt giảm chi tiêu gia đình để đầu tư vào thành công của con cái”. Tuy nhiên, không phải “gà mái mẹ” nào cũng giống nhau. Một số người có phương pháp nuôi dạy khá thoải mái, ít khắt khe hơn dù vẫn đầu tư nhiều cho học thêm.

Đơn cử, chị Li, sống tại trung tâm của thủ đô Bắc Kinh, tự nhận mình là “gà mái mẹ” có lối nuôi dạy phóng khoáng. Dù sống tại trung tâm của thủ đô, nơi phụ huynh nổi tiếng vì vung tiền cho những hoạt động ngoại khóa tốn kém như quần vợt, huấn luyện Olympic Toán, múa ba lê… kéo dài đến 11 giờ tối. Con gái của chị Li chỉ tham gia lớp học khiêu vũ, toán trực tuyến và học bơi. Đến tối, bà mẹ có thể thư thái dành thời gian cho gia đình.

Lo lắng và thực dụng

Dành nhiều thời gian nghiên cứu hiện tượng “gà mái mẹ”, nhà tâm lý học Lixin Ren, làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, đánh giá áp lực của cha mẹ và trẻ em hiện nay là rất lớn. Văn hóa “gà mái mẹ” đã thúc đẩy lĩnh vực dạy thêm tại quốc gia này phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, trở thành ngành công nghiệp trị giá 120 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo bà Lixin, phong trào nuôi dạy con cái này đang khiến bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, xuất phát từ cạnh tranh giáo dục. Những “gà mái mẹ” tập trung ở các thành phố lớn, nơi các gia đình có điều kiện và khả năng tiếp cận những trung tâm dạy thêm uy tín, chất lượng.

Trong khi tại các tỉnh, thành quy mô nhỏ hơn, điều này là khó khăn. Do đó, ở những địa phương khác, phụ huynh không thể thúc đẩy con cái phát triển với tốc độ tương tự. Từ đó, dẫn đến thành tích học tập lẫn kết quả thi đại học của các em thấp hơn bạn bè ở các thành phố lớn.

Ông Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21, Bắc Kinh, cho rằng, ẩn sau tư tưởng “gà mái mẹ” là sự lo lắng và tính thực dụng. Hệ thống giáo dục nước này vẫn dựa trên sự cạnh tranh nên các trung tâm đã đánh vào tâm lý này để khơi dậy sự lo lắng của cha mẹ, thúc đẩy họ ganh đua.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh cho rằng, nếu không học hành chăm chỉ sẽ phải kiếm các công việc thấp kém, lương thấp. Nhưng đây là quan điểm sai lầm, mang nặng tính thực dụng.

Phương pháp nuôi dạy này có thể gây tổn thương đến trẻ em. Nếu một đứa trẻ thường xuyên được nhắc nhở phải dẫn trước nhưng lại tụt hạng, các em sẽ bị coi là kẻ thất bại và dần đánh mất tự tin của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ