Những áp lực vô hình của phụ huynh Trung Quốc

GD&TĐ - Việc nuôi dạy con cái đặt trên vai phụ huynh Trung Quốc nhiều gánh nặng như phải kiếm thật nhiều tiền để con học thêm; không được lơ là việc học của con; con phải đỗ vào trường tốt.

Học sinh Trung Quốc cạnh tranh vào trường tốp đầu.
Học sinh Trung Quốc cạnh tranh vào trường tốp đầu.

Điều này khiến các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con dù chính phủ khuyến khích gia tăng dân số.

Mới đây, GS Zhang Xiaoqiang, làm việc tại Trường Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc, gây sốt trên mạng xã hội quốc gia này khi chia sẻ cảm giác bất lực trong việc dạy kèm cho con gái. Giáo sư Xiaoqiang bày tỏ: “Dù tôi đang giảng dạy cho hơn 70 sinh viên đại học, tôi vẫn không biết làm thế nào giúp con gái cấp 2 học tập tiến bộ”.

Chia sẻ này đã nhận được sự đồng cảm của phụ huynh Trung Quốc. Trong đó, những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng mệt mỏi khi phải thúc giục con cái học tập, giành suất vào trường tốt.

Chị Wang Nan, sống tại Thượng Hải, cho biết con trai 7 tuổi phải tham gia 5 khoá học thêm một tuần. Điều này tạo rất nhiều áp lực lên một đứa trẻ. Tuy nhiên, chị Nan lo lắng, nếu không học, con không thể cạnh tranh cùng bạn bè đồng trang lứa, những đứa trẻ cũng đang “nhét mình” vào lớp học thêm.

Hàng tháng, chị Nan phải chi 50% thu nhập cho các khoá học thêm của con. Bà mẹ này đã từ bỏ kế hoạch sinh con thứ hai.

“Tôi luôn muốn có con gái. Người Trung Quốc thường nói rằng, sinh thêm con chỉ là thêm một đôi đũa trên bàn ăn. Thực tế nếu có thêm con, vợ chồng tôi phải kiếm được gấp 3 hiện tại. Điều này không hề đơn giản”, chị Nan bày tỏ.

Trong thời gian gần đây, chính phủ đã tiến hành cải cách giáo dục phổ thông mạnh mẽ nhằm san sẻ gánh nặng của phụ huynh, học sinh. Bộ Giáo dục quốc gia này cũng thành lập cơ quan giám sát hoạt động dạy thêm, thu hút học sinh từ mẫu giáo đến THPT.

Tuy nhiên, Giáo sư Zhou Guping, làm việc tại Trường ĐH Chiết Giang, cho biết những biện pháp này sẽ không hiệu quả chừng nào học sinh vẫn phải thi để cạnh tranh vào các trường THPT, đại học. Phụ huynh sẽ tiếp tục thúc ép con cái khi các nhà tuyển dụng vẫn nhìn vào tên trường đại học của ứng viên.

Bà Guiping giải thích: “Người Trung Quốc luôn nói rằng mọi ngành nghề đều đáng trân trọng như nhau. Nhưng nó không đúng trong thực tế. Người làm công việc chân tay được trả lương thấp hơn nhiều so với những người lao động sử dụng chất xám. Vì lẽ đó, ai ai cũng muốn con vào đại học thay vì trường nghề”.

Một lý do khác là quan niệm về giai cấp xã hội. Phụ huynh ở tầng lớp trung lưu muốn con học thật tốt để tương lai, các em sẽ có địa vị ngang bằng hoặc cao hơn họ thay vì thấp hơn.

Để giải quyết những áp lực của phụ huynh, nhà nghiên cứu Chu Zhaohui, làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục quốc gia, cho rằng cần đa dạng hóa các phương thức đánh giá học sinh và phân bổ nguồn lực giáo dục cân bằng.

Ông Zhaohui bày tỏ: “Trẻ cạnh tranh gay gắt vào các trường đại học tốp đầu vì có khoảng cách rất lớn giữa các trường. Chính phủ đã nhận thức được vấn đề này nên đã khuyến khích địa phương cân bằng nguồn lực phân bổ giữa các trường từ năm 2013”.

Năm 2019, chính phủ cho biết hơn 90% các địa phương đã hoàn thành mục tiêu nhưng phụ huynh vẫn hoài nghi. Chị Wang, sống tại Thượng Hải, khẳng định bất bình đẳng giữa các trường vẫn tồn tại.

“Kết quả của chính phủ thật khó tin. Nếu các trường có chất lượng như nhau thì tại sao nhiều phụ huynh vẫn loay hoay tìm mua nhà trong những khu có trường tốt?”, bà mẹ đặt câu hỏi.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.