Dùng vi sinh vật biến rác thành phân bón hữu cơ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Rác từ các nhà máy được tập kết, phối trộn và ủ có thể biến thành phân bón hữu cơ giàu dưỡng chất cho cây trồng.

Sản phẩm phân hữu cơ sau quá trình ủ rác.
Sản phẩm phân hữu cơ sau quá trình ủ rác.

Nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự Viện Công nghệ Sinh học.

Giảm tải cho các bãi rác khổng lồ

Sau nhiều năm ấp ủ giải pháp xử lý rác thải bằng vi sinh vật, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và cộng sự Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa thực hiện thành công dự án tại Bình Thuận.

Nhóm các nhà khoa học đã kết hợp với Công ty TNHH Thương mại xây dựng xử lý môi trường Thanh Long, Nhà máy xử lý rác thải xã Gia An (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) tiến hành dự án: “Hoàn thiện quy trình ủ compost từ rác thải sinh hoạt quy mô nhà máy, tạo phân bón hữu cơ cải tạo đất và nhân giống cây công nghiệp bằng tổ hợp vi sinh vật ưa nhiệt”.

Dự án xuất phát từ 3 giải pháp hữu ích của tác giả Đặng Thị Cẩm Hà. Các giải pháp có tên và mã số lần lượt là chế phẩm vi sinh vật phân lập từ Việt Nam để sản xuất mùn hữu cơ (compost) từ phụ phế liệu nông nghiệp và chăn nuôi chứa hỗn hợp xạ khuẩn ưa nhiệt thuộc chi Streptomyces, chi Bacillus và nấm sợi thuộc hai chi Thermomyces và Chaetomium.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ, ở Việt Nam, số lượng rác thải của cả nước không ngừng tăng. Chất thải rắn sinh hoạt gia tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp đã và đang gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý ở nước ta, đặc biệt ở các đô thị và khu dân cư tập trung.

Nhu cầu xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao giá trị của compost sản phẩm đầu ra là nhu cầu chính đáng và cũng là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại.

Sản phẩm compost tạo ra sẽ là tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, tiến tới sản xuất hoàn toàn hữu cơ là định hướng phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới.

Mặt khác, sự kết hợp giữa sản phẩm compost với các chế phẩm như chế phẩm giữ ẩm sinh học kết hợp với than sinh học (biochar) là sinh khối nhiệt phân có diện tích bề mặt cao sẽ góp phần làm thay đổi độ phì nhiêu của đất, chống hạn hán, xói mòn, nâng cao năng suất.

“Quy trình sản xuất chế phẩm giữ ẩm sinh học” 3 chủng vi khuẩn sinh tổng hợp chất giữ ẩm sinh học được phân lập tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn giải pháp hữu ích.

Vi sinh vật biến rác thải thành phân hữu cơ

Quy trình biến rác thành phân hữu cơ gồm: Rác hữu cơ sau khi được phân loại và đồng nhất tự động trộn với giống vi sinh vật và các chất thêm khác, tiếp tục đảo trộn, tạo đống ủ cao dưới 3m với các cảm biến đo nhiệt tự động ở các vị trí khác nhau.

Trong 15 ngày đầu nhiệt độ sẽ tăng trên 60 - 75 độ C. Trong điều kiện nhiệt độ cao kéo dài sẽ giúp cho mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng các chất ô nhiễm nồng độ thấp (chất làm hỏng hệ miễn dịch)… hoàn toàn bị loại bỏ.

Đặc biệt chế phẩm tạo ra các enzyme ngoại bào như: Xylanase, chitinase, lipase, amylase, protease, CMCase, laccase… Các enzyme này đều sinh tổng hợp bởi các chủng thuộc nhóm Bacillus, Streptomyces, Thermomyces và Chaetomium ưa nhiệt (có trong 3 giải pháp hữu ích) với hoạt tính rất khác nhau ở các giai đoạn chuyển hóa trong đống ủ compost khác nhau.

Ở dự án trên, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình sản xuất compost từ rác thải sinh hoạt với quy mô 50 - 70 tấn/ngày (35 - 50 tấn rác hữu cơ/ngày) và sản xuất được 255 tấn compost đạt chỉ tiêu về chất lượng theo tiêu chuẩn phân bón hữu cơ Việt Nam. Với chất lượng đã đạt được của compost hoàn toàn đủ tiêu chuẩn là mùn hữu cơ để sử dụng trồng các loại cây công nghiệp.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cũng đã phân lập, phân loại được 3 chủng vi khuẩn thuộc chi Bacillus và Serratia từ đất khô cằn của Việt Nam có khả năng sinh tổng hợp được chất giữ ẩm sinh học (EPS) và tạo được quy trình sản xuất chất giữ ẩm sinh học có hoạt tính giữ ẩm tốt đã được thử nghiệm trong trồng cây keo.

Khi đất được bổ sung chế phẩm giữ ẩm, compost và biochar theo tỉ lệ thích hợp, cây keo sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Đồng thời, chế phẩm giữ ẩm sinh học đã tăng hiệu quả giữ ẩm của đất thêm 30 - 35% so với các cây keo được trồng tại khu vực trồng đối chứng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.