Từ thực tế đó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tìm ra cách giải quyết vấn đề về môi trường với những ý tưởng độc đáo từ chính học sinh và giáo viên.
Thiết kế robot xử lý rác thải
Lấy cảm hứng về một ngôi trường xanh – không rác thải, Trường Nguyễn Siêu đã tổ chức cuộc thi Sáng tạo Robot với chủ đề “Cùng Robot chung tay xử lý rác thải”. Vượt qua 5 sản phẩm khác được lựa chọn vào “chung kết”, chiếc thuyền vớt rác của HS lớp 7CI1 đã giành giải Nhất cuộc thi STEAM năm học 2019 - 2020.
Với những ý tưởng sáng tạo, dựa trên những nguyên liệu, linh kiện và thiết bị đã qua sử dụng, nhóm học sinh lớp 7CI1 gồm Vương Quốc Hiển (nhóm trưởng), Lê Đình Nam, Nguyễn Hoàng Minh Khôi, Đỗ Doãn Hoàng Nguyên, Nguyễn Khang Thịnh, Mai Tuấn Long, Nguyễn Khả Dũng đã thiết kế mô hình “chiếc thuyền vớt rác” thu hút được BGK.
Sản phẩm có tính tư duy sáng tạo, phương pháp nghiên cứu bài bản và có tính ứng dụng thực tiễn cao. Các em cũng rất chủ động, tự tin khi trình bày nội dung của dự án, đồng thời chủ động dẫn dắt và mở rộng thêm vấn đề theo sự hiểu biết rất đầy đủ về công trình nghiên cứu của mình trước những câu hỏi chất vấn của hội đồng giám khảo.
Vương Quốc Hiển (nhóm trưởng) cho biết: Chiếc thuyền vớt rác được tạo ra nhằm mục đích thu gom những loại rác nổi trên mặt nước, kể cả váng dầu. Bộ điều khiển từ xa cho phép chiếc thuyền di chuyển trong một không gian rộng lớn và đổi hướng khi gặp chướng ngại vật.
Nhờ tác dụng thiết thực và sự xuất hiện “kịp thời” cùng sự kiện ô nhiễm nước đầu nguồn sông Đà, sản phẩm này đã được Ban Giám khảo chấm điểm cao nhất, vượt qua 5 sáng chế khác bao gồm: Máy nhặt rác Ecorobot; thùng phân loại rác tự động (kim loại - phi kim); giải pháp tuần hoàn rác hữu cơ; cửa lọc không khí năng lượng mặt trời và thuốc trừ sâu sinh học.
Sáng tạo và đam mê
Cô giáo Đào Thị Tươi cho biết: Trong thời gian chưa đầy 2 tuần phát động cuộc thi, các con đã xuất sắc hoàn thành sản phẩm của mình. Các thầy cô thực sự xúc động trước hình ảnh làm việc miệt mài của các con mỗi giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa hay những khi có thời gian trống.
Với chủ đề “mái trường xanh - ước mơ xanh” tất cả các sản phẩm dự thi, các hoạt động trải nghiệm trong ngày hội đều được sáng tạo dựa trên những nguyên liệu, linh kiện và thiết bị đã qua sử dụng.
Các sản phẩm dù khác nhau về tính năng, ý tưởng nhưng đều gặp nhau ở mong muốn đó là tạo ra những sản phẩm gần gũi nhất, hữu ích nhất, thân thiện với môi trường vì một mái trường xanh, ý tưởng xanh, ước mơ xanh.
Trong không gian đó mỗi học sinh không chỉ biết sáng tạo và đam mê mà còn biết yêu thương và thấu cảm để đồng lòng cùng nhau tạo dựng lớp học hạnh phúc.
Chị Nguyễn Thu Thảo, phụ huynh của một học sinh lớp 7CI1 chia sẻ: Hoạt động này rất bổ ích, ngoài việc giúp các em hiểu biết thêm kiến thức về môi trường một cách thực tế. Đây cũng là cơ hội để học sinh tạo ra các sản phẩm mang tính giải pháp và thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ.
Trái đất sẽ xanh hơn nhờ hành động nhỏ bé
Thời gian qua, một cuộc vận động sống xanh đã và đang được đưa vào trường học, tới từng học sinh. Mới đây, Trường Mẫu giáo Tuổi thơ, quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức chương trình hướng dẫn các bé bảo vệ môi trường thông qua những hành động thường ngày như tái chế vỏ hộp sữa, chai nhựa đã qua sử dụng.
Chương trình bắt đầu bằng việc dạy các bé thực hành xứ lý vỏ hộp sữa sau khi uống hàng ngày dưới sự hỗ trợ của giáo viên đứng lớp.
Cô giáo Phạm Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi thơ cho biết: “Một giây hành động, bảo vệ môi trường” là chương trình nhằm kêu gọi thầy cô, học sinh, phụ huynh, chung tay bảo vệ môi trường thông qua những hành động nhỏ, chỉ tốn một giây như: Nhặt vỏ hộp sữa, đập, gập, xếp dẹp, để gọn vào khay hoặc bỏ vào thùng rác tái chế.
Ngoài ra, cô giáo, cha mẹ sẽ hướng dẫn thêm cho các con hiểu được vai trò quan trọng và ý nghĩa của phân loại - thu gom - tái chế, làm tiền đề tạo cho thế hệ tương lai thói quen gìn giữ môi trường một cách tự nhiên bằng những hành động dù nhỏ nhất.
Tại Trường Nguyễn Siêu, HS lớp 1CI1 cũng đã có các hoạt động tìm hiểu về 2 loại rác thải là vô cơ và hữu cơ và thực hành phân loại rác. 4 HS được chọn để trải nghiệm phương pháp “đồng giảng” là những người phụ trách nội dung này cùng với cô giáo.
Các bạn trong lớp đều thực hành phân loại rác. Sau các trải nghiệm sinh động, các bạn rất vui và bảo nhau về nhà cũng dùng các loại túi sinh học tự hủy như ở lớp để đựng thức ăn hoặc đựng rác.
Một lối sống xanh đang được cụ thể hóa vào sinh hoạt thường nhật tại các nhà trường. Tin tưởng rằng, Trái đất sẽ xanh hơn nhờ vào từng nhận thức và hành động dường như nhỏ bé hôm nay.