Novaland thông báo khách hàng tự thanh toán lãi vay mua nhà
Mới đây, Công ty Cổ phần NovaReal (thành viên Novaland) thông báo tới các khách hàng mua dự án Novaworld Phan Thiết về việc tạm hoãn thanh toán các khoản theo thỏa thuận ban đầu.
Siêu dự án với quy mô gần 1.000 ha của Novaland tại Bình Thuận từng là điểm "nóng" của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng suốt giai đoạn 2020-2022.
Theo NovaReal, từ giữa năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước có những biến động lớn, gây ảnh hưởng và tác động nhiều mặt thị trường; song song đó lạm phát, tín dụng thắt chặt, mặt bằng lãi suất tăng,... đã ảnh hưởng đến thanh khoản của hàng loạt doanh nghiệp.
Hiện nay, thanh khoản và dòng tiền của công ty đều gặp phải khó khăn và ngoài tầm kiểm soát. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã chứng khoán: NVL) lãi ròng 240 tỷ đồng, sụt giảm 70% so cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu trong kỳ thu về 3.244 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ quý IV/2021. Khấu trừ chi phí, NVL ghi nhận lợi nhuận sau thuế 240 tỷ đồng. Năm 2022, tình hình kinh doanh của Novaland tương đối ảm đạm.
Hiện nhiều khách hàng đã thanh toán 15% giá trị bất động sản ban đầu và đang tính phương án chấp nhận thanh lý, mất trắng khoản tiền tỷ. Trong nhóm khách hàng này, nhiều chủ sở hữu bất động sản tại NovaWorld Phan Thiết đang chờ đợi giải ngân từ phía ngân hàng.
Theo thông báo mới nhất, khách hàng phải chủ động trả lãi vay hoặc tất toán khoản vay với ngân hàng thay vì được các công ty con của Novaland hỗ trợ lãi vay như cam kết ban đầu. |
Theo CBRE Việt Nam ước đoán, trên 50% nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản, nếu tiếp tục vay thì chi phí vốn tăng cao, còn muốn bán thì lại không bán được.
“Nhà đầu tư có lựa chọn cuối cùng là trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt từ chủ đầu tư còn lớn hơn chi phí họ tiếp tục gồng để đi vay tiếp. Đây là điểm tắc nghẽn và hậu quả là buộc phải bán sản phẩm dưới giá đã mua, khi đó thị trường sẽ giảm giá”, đại diện CBRE Việt Nam nhấn mạnh.
Loạt dự án cũng chung số phận
Thời gian qua, mức lãi suất của các ngân hàng liên tục gia tăng trong khi các dự án dừng hỗ trợ ưu đãi lãi suất khiến nhiều người có nhu cầu sở hữu nhà ở không dám “xuống tiền”.
Theo đó, khi lãi suất liên tục tăng, nhiều chủ đầu tư không đủ tài chính để hỗ trợ khách hàng nên buộc phải điều chỉnh chính sách, có thể là hủy bỏ hoàn toàn mức ưu đãi 0% hoặc điều chỉnh lãi suất ở một mức độ nhất định.
Việc hủy bỏ các ưu đãi này tạo ra khó khăn cho khách hàng khi họ buộc phải trả nợ nhà băng ngay khi được giải ngân. Trong bối cảnh lãi suất cho vay liên tục tăng cao, nhiều khách hàng không dám vay vốn để mua nhà kể cả khi được duyệt hồ sơ cho vay.
Cụ thể, Dự án Green Diamond 93 Láng Hạ của Vinaconex đã cắt chính sách ưu đãi lãi suất 0% trong 6 tháng từ cuối tháng 11. Phía đơn vị bán hàng cho biết chủ đầu tư chỉ hỗ trợ khách hàng kết nối với ngân hàng để vay vốn, khách hàng sẽ phải trả lãi suất theo quy định của các nhà băng.
Chủ đầu tư Dự án Hoàng Thành Pearl của CTCP & Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành từng tung chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn mua nhà với lãi suất ưu đãi 0%, thời gian ưu đãi 18 tháng, khoản hỗ trợ tương đương 40% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay, chủ đầu tư đã cắt chính sách trên, khách hàng mua căn hộ tại đây nếu vay tiền ngân hàng, đều phải chịu lãi suất thả nổi 12,5-12,7%/năm ngay từ đầu. Mức lãi suất này có thể thay đổi trong tương lai phụ thuộc tình hình lãi suất thực tế.
Tại Dự án Westgate của Tập đoàn bất động sản An Gia cũng đã bỏ chính sách ưu đãi lãi suất 0% từ cuối tháng 10. Thay vào đó, chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng ổn định lãi suất vay ngân hàng ở mức 9,5%/năm, tuy nhiên đến nay, mức hỗ trợ đã tăng lên 10%/năm.
Lãi suất ngân hàng liên tục gia tăng trong khi dự án dừng hỗ trợ ưu đãi khiến nhiều người có nhu cầu sở hữu nhà ở không dám “xuống tiền”. |
Được biết, mặt bằng lãi suất vay mua nhà đang được các ngân hàng lớn áp dụng từ 11-12%/năm và ở các nhà băng quy mô vừa và nhỏ là 13-15%/năm, khiến những người có ý định mua nhà trì hoãn kế hoạch vì áp lực trả lãi.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản (VARs) cho biết, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng trong việc kiểm soát thị trường bất động sản, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp đã khiến nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải dừng, giãn, hoãn nhiều dự án đang triển khai, thậm chí sa thải bớt lực lượng lao động vì thiếu vốn trong khi doanh thu sụt giảm vì thanh khoản yếu. Nhiều dự án đã triển khai đầu tư phải dừng lại, đợi xử lý thủ tục. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp phá sản cao, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp phát triển bất động sản nên cân nhắc điều chỉnh chính sách phát triển phân khúc sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở thực của đại chúng, những người lao động, công chức, thu nhập thấp... để cân bằng thị trường, phát sinh giao dịch giúp thị trường sôi động trở lại”, ông Đính nhận định.