Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho biết, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt hơn khi lãi suất huy động vẫn đang duy trì ở mức thấp. Vì vậy nhiều ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi trong tháng 12/2020.
Tiếp tục hạ lãi suất
Khảo sát nhanh biểu lãi suất tiết kiệm đầu tháng 12/2020 cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động.
Trong đó, các ngân hàng thuộc khối ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank ghi nhận lãi suất huy động giảm ở một số kỳ chủ chốt. Đơn cử tại Vietcombank, ngân hàng này giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm từ 5,6%/năm xuống còn 5,4%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm từ 5,9%/năm xuống 5,7%/năm.
Tại VietinBank, mức lãi suất huy động áp dụng cho khách hàng cá nhân tại các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 4%/năm. Lãi suất đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng được điều chỉnh giảm tương tự xuống 5,6%/năm.
Tương tự tại BIDV, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 5,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 9 tháng giảm từ 4,2%/năm xuống 4%/năm; 3 tháng đến 5 tháng giảm từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; 1 tháng đến 2 tháng giảm từ 3,3%/năm xuống 3,1%/năm.
Không chỉ khối ngân hàng thương mại Nhà nước, động thái hạ lãi suất cũng được ghi nhận tại một số ngân hàng tư nhân.
Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi đối với khách hàng cá nhân của MBBank giảm ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, ngân hàng đã bỏ lãi suất 6,9%/năm kỳ hạn 24 tháng đặc biệt áp dụng cho các khoản tiết kiệm từ 200 – 300 tỷ trên bảng niêm yết. Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, cao nhất chỉ còn 6,4%/năm.
Ngoài ra, biểu lãi suất trong ngày đầu tiên của tháng 12/2020 tại các ngân hàng như Sacombank, HDBank, VPBank, SHB… giữ nguyên so với cùng kỳ tháng trước.
Tính đến ngày 24/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,31% so với cuối năm 2019, huy động vốn tăng 10,65%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,93% so với cuối năm 2019. Do đó, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục đi ngang trong một vài tháng tới.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm tại Eximbank với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng. Những khoản tiền gửi giá trị dưới 500 tỷ đồng sẽ có lãi suất chỉ 6,3%.
Sau Eximbank, Ngân hàng Phương Đông (OCB) có lãi suất cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 13 tháng với giá trị trên 500 tỷ đồng là 8,2%/năm. Liền sau, MSB cũng thông báo lãi suất với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cho khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng là 8,0%, trong khi dưới 200 tỷ là 6,4%/năm.
Một số ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao như LienVietPostBank (7,9%/năm), Ngân hàng Bản Việt (7,5%/năm), ACB (7,4%/năm), Ngân hàng Quốc dân NCB (7,3%/năm), SCB (7,3%/năm)...
Trong nhóm ngân hàng nhà nước, Vietcombank có lãi suất cao nhất với 5,8%/năm niêm yết tại kỳ hạn 12 tháng, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước. VietinBank, BIDV và Agirbank cùng có lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Trong bảng xếp hạng lãi suất ngân hàng cao nhất tháng 12/2020, VPBank đứng ở cuối cùng. Lãi suất cao nhất tại VPBank hiện là 5,5%/năm áp dụng cho khoản tiền từ 50 tỷ trở lên gửi tại kì hạn 24 tháng và 36 tháng.
Bình luận