Đừng quá tin vào bảng chữ cái khi khám mắt cho trẻ

GD&TĐ - Theo chuyên gia, nhiều học sinh đang phải đeo kính cận quá số độ cận của mắt. Điều này xảy ra khi tin tưởng vào các cơ sở khám mắt không đáng tin cậy hoặc quy trình khám không đủ tiêu chuẩn.

Cha mẹ nên lưu ý đến những địa chỉ đáng tin cậy để khám mắt cho trẻ. Ảnh minh họa.
Cha mẹ nên lưu ý đến những địa chỉ đáng tin cậy để khám mắt cho trẻ. Ảnh minh họa.

Những sai lầm không hiếm gặp

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, nghệ sĩ Xuân Bắc đã chia sẻ về “tai họa” khi khám mắt cho con trai. Theo danh hài, chuyện sẽ chẳng có gì nếu chỉ là khám và mua kính nhưng... nó không đơn giản thế. Cách đây mấy năm, thấy mắt con trai nheo nheo và hay chói khi ra nắng, anh đã cho con đi khám và kết quả là bị cận thị phải đeo kính.

6 tháng sau khi con trai lớn đeo kính thì con út hay kêu bị đau đầu. Sau khi đi khám tổng thể đều ổn định thì kết luận con bị cận lệch phải đeo kính.

Kể từ khi 2 cậu con trai phải đeo kính cận, ông bố này thường xuyên sửa, khám mắt ở hiệu kính thuốc tiện đường gần nhà. Và lần nào khám cũng phải đeo kính lên số. Nghĩ rằng đây là điều hết sức bình thường và không tránh khỏi nên anh vẫn cho con khám thường xuyên để thay kính.

“Đợt vừa rồi giãn cách, học online nhiều. Cứ đến trưa và cuối giờ chiều là 2 đứa bơ phờ. Mắt thì bì ra, lúc nào cũng liếc lên liếc xuống. Cậu út thì bỏ kính không đeo mặc dù cận tới 3,5 độ” – anh chia sẻ.

Quyết định cho 2 con đi khám mắt tại bệnh viện, PGS.TS Minh Châu ở Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã kết luận 2 bé có vấn đề về mắt nghiêm trọng. Đó là bạn nào cũng đeo kính nặng hơn độ cận của mắt từ 1 đến 1,5 độ suốt thời gian dài.

Theo nhiều chuyên gia, nếu đeo kính nặng hơn độ cận thật, mắt bạn sẽ có hiện tượng nhìn vật quay cuồng, đầu bị choáng. Nếu đeo kính nhẹ hơn độ cận, mắt phải điều tiết nhiều hơn để tập trung nhìn rõ, lâu ngày sẽ dẫn tới gia tăng độ cận.

Bên cạnh độ cận, nếu đeo kính sai PD cũng sẽ dẫn đến tình trạng nhức đầu, mỏi mắt, nhìn không rõ. Đeo lâu ngày còn dẫn đến bị lác. Do đó, khi cắt kính cận phải tuyệt đối chú ý đến con số này.

TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc, phòng khám Bích Ngọc thông tin, đeo kính sai độ là tình trạng đeo kính thấp hơn hoặc cao hơn số độ đã đo qua bước kiểm tra thị lực. Sở dĩ, nhiều người đang đeo kính sai độ là do 2 nguyên nhân.

Đó là người bị cận thị quá lâu không kiểm tra lại thị lực, dẫn đến mắt bị tăng độ hoặc đã giảm độ nhưng vẫn đeo kính cũ. Nguyên nhân thứ hai là do sai sót trong quá trình đo thị lực (đo sai độ) hoặc người cấp đơn kính và người đeo kính chủ động muốn đeo giảm bớt độ hoặc tăng độ.

“Khi đeo kính thấp hơn độ hoặc cao hơn độ thì mắt có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Đó là đeo kính cao hơn độ cận khiến mắt nhức mỏi, rối loạn điều tiết gây hiện tượng đau đầu, chóng mặt. Cùng với đó, đeo kính thấp hơn độ cận khiến mắt nhìn không rõ, không thoải mái, mắt phải điều tiết nhiều, làm tăng độ nhanh hơn”, TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc nói.

Theo bác sĩ Ngọc, đôi mắt của mỗi người có khả năng điều tiết nhất định, và chúng hoàn toàn có thể thích nghi được nếu như độ cận của bạn dưới 1 diop. Với trẻ dưới 10 tuổi, nếu mắt cận dưới 1 diop có thể thực hành các bài luyện mắt để cải thiện thị lực thay vì đeo kính. Việc tập luyện sẽ đem lại kết quả khả quan nếu độ tuổi càng nhỏ.

Trẻ càng lớn khả năng hồi phục thị lực càng khó và hầu như là không thể với những người trên 23 tuổi. Với những người trên 23 tuổi, nếu bị cận nhẹ nhưng ảnh hưởng đến tầm nhìn thì nên cân nhắc việc đeo kính khi cần thiết như khi tham gia giao thông.

Nhược thị, mất thị lực vì đeo kính sai

Vì sự chủ quan, tôi đã khiến đôi mắt của bọn trẻ phải vất vả mấy năm trời và có thể nguy hiểm nữa. Đo kính cho con một cách quá ngây thơ, nghĩ đơn giản cắt kính là xong mà không khám chuyên môn sẽ khiến con gặp những vấn đề nghiêm trọng.
Chúng ta hay bỏ qua, không khám mắt cho đến khi không thể chịu nổi. Đó là sai lầm và mong các bậc làm cha mẹ lưu ý. Hãy thực sự quan tâm hơn nữa đến đôi mắt của bọn trẻ - tương lai của chính mình. Cần đi khám thường xuyên và khám chuẩn chuyên môn - Nghệ sĩ Xuân Bắc.

Theo thống kê, học sinh là đối tượng dễ bị cận thị nhất. TS Trịnh Thị Bích Ngọc khuyến cáo, có rất nhiều bệnh nhân đến khám với tình trạng mắt mờ và khi chụp có độ khúc xạ.

Nhưng sau khi thăm khám và tra liệt điều tiết thì mắt bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường không có cận thị. Đó đơn thuần là tình trạng điều tiết nhìn gần quá mức trong một thời gian dài gây ra tình trạng giả cận thị.

“Nếu bệnh nhân không được khám đầy đủ và tra liệt điều tiết thì rất có thể bệnh nhân sẽ cắt một cặp kính cận để đeo và như vậy vô hình trung lại khiến mắt bị cận thị và có thể tăng số do điều tiết mắt bị rối loạn.

Những trường hợp giả cận do điều tiết mắt nhìn gần quá nhiều bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi mắt, điều chỉnh điều tiết và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ thị lực bệnh nhân có thể trở lại bình thường” – bác sĩ Ngọc khuyên.

Chuyên gia cũng cho rằng, tự cắt kính tại các cửa tiệm bán kính thuốc phải theo một quy trình chuẩn. Bởi nếu chỉ đơn thuần dựa trên kết quả đo khúc xạ của máy chụp khúc xạ tự động mà không được khám kỹ càng rất dễ dẫn tới tình trạng kính không chuẩn.

Đặc biệt ở những trẻ nhỏ khả năng điều tiết lớn hoặc những học sinh có độ khúc xạ cận, viễn loạn thị cao có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điều tiết hoặc nhược thị ảnh hưởng tới thị lực của trẻ.

Mắt có khả năng điều tiết lớn, nhất là mắt của trẻ nhỏ. Khi đo độ cận hay loạn thị mà chỉ đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ thì chưa đủ. Theo đúng quy trình người bệnh cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt.

Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều cửa hàng bán kính bỏ qua công đoạn do không có các bác sĩ chuyên khoa khúc xạ khám và đánh giá. Điều này khiến cho nhiều trường hợp bị “cận thị giả” vẫn được kê đơn đeo kính.

Theo bác sĩ Ngọc, nếu đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến cho bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc… Nếu kéo dài, tình trạng này có thể nặng lên hoặc dẫn đến bệnh khác hoặc nguy hiểm hơn là nhược thị, mất thị lực không thể hồi phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ