Có thể anh, chị của các bạn đã từng kể về cuộc sống thực sự khi bước sang tuổi 20, nhưng các bạn chưa trải qua nên không thể có cái nhìn đồng cảm được.
1. Lúc nào cũng thấy thiếu quần áo mặc
Quãng thời gian trung học và trung học phổ thông, ngày nào tới trường các bạn cũng mặc đồng phục. Lúc đó hẳn không ít các bạn quyết tâm khi lên đại học sẽ lấp đầy tủ quần áo của mình bằng những bộ quần áo thật đẹp.
Thế nhưng cũng chính vào lúc không còn mặc đồng phục ấy, dù vừa mới đi mua sắm quần áo vào tháng trước thôi, bạn vẫn luôn cảm thấy tủ quần áo của mình không có gì đáng để mặc. Thôi thà rằng lại được mặc đồng phục đi học như hồi cấp 3 để đỡ phải đau đầu!
2. Cuộc sống trong trường đại học không giống như phim truyền hình
Qua nhiều bộ phim truyền hình nói về cuộc sống sinh viên, tưởng tượng của các bạn về cuộc sống ấy luôn là những viễn cảnh tươi đẹp. Được làm những việc mình thích, tham gia các câu lạc bộ, hẹn hò và đi làm thêm... Tuy nhiên khi bước vào thực tế, các bạn lại nhận ra cuộc sống sinh viên không phải là một màu hồng, bận rộn giữa trường và nhà, nhà và trường, lặp đi lặp lại.
Tất nhiên, cuộc sống sinh viên giống như tưởng tượng của các bạn không phải là không thể xảy ra, nhưng nó cũng đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ và kiên trì để có thể thực hiện được.
Hãy làm những gì mà chúng ta cảm thấy đúng và thoải mái (Ảnh minh họa)
3. Cứ nghĩ rằng lên đại học sẽ không cần phải học nhiều nữa
Quãng thời gian học cấp 3 và ôn thi đại học vô cùng vất vả và căng thẳng. Các bạn luôn nghĩ rằng chỉ cần vào được đại học thôi thì việc học sẽ nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Phải đến khi đã thực sự trở thành sinh viên rồi các bạn mới hiểu, những thứ cần phải học nhiều tới mức các bạn không biết phải bắt đầu từ đâu.
4. Đã tới lúc phải hoạt động độc lập
Thời cấp 3, cứ giờ ra chơi hoặc giờ ăn trưa, các bạn thường túm năm tụm ba cùng nhau trò chuyện hoặc ăn trưa. Nhưng bây giờ, các bạn phải làm quen với việc đi học các môn học một mình hay ăn trưa một mình để cho kịp những tiết học sớm buổi chiều.
5. Tiêu tiền thì dễ mà kiếm tiền mới thật khó
Bước ra khỏi cánh cửa trường cấp ba, nhiều bạn quyết tâm đi làm thêm để có thêm tiền tiêu hàng tháng. Tuy nhiên, kiếm tiền quả nhiên không phải việc dễ dàng, kiếm được một công việc bán thời gian phù hợp đã khó, chịu được nhiệt để làm công việc đó lâu dài lại càng khó khăn hơn.
Tiền điện thoại, tiền ăn, tiền đi lại, vui chơi.. quả thật tiền làm thêm không thấm vào đâu cho dù các bạn đã làm việc chăm chỉ suốt cả tháng.
6. Học cách nói lời xin lỗi
20 tuổi, các mối quan hệ của bạn không còn bó hẹp trong khuôn viên trường cấp 3 nữa. Bước ra xã hội, bạn phải gặp gỡ và đối mặt với nhiều mối quan hệ khác nhau.
Khi còn học cấp ba, có thể các bạn sẽ nhanh chóng hòa giải được với bạn mình, nhưng ra xã hội rồi thì hoàn toàn khác.
Trong trường hợp bạn là người mắc lỗi, hãy đừng bỏ lỡ thời cơ để nói lời xin lỗi bởi, thời gian trôi qua thì mối liên hệ xã hội giữa bạn và người đó sẽ dần mất đi và không có lý do gì để gặp lại nhau nữa.
7. Sức khỏe không được như trước
Trước đây, dù có thức đêm để học hay thậm chí là chơi game đi nữa, bạn cũng cảm thấy không có vấn đề gì to lớn. Nhưng bước sang ngưỡng tuổi 20, bận rộn với bài vở, làm thêm, với những buổi liên hoan có rượu, bia cùng bạn bè, bạn nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi hơn so với trước đây. Đó chính là thời điểm bạn cảm thấy mình cần phải quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn.
8. Bài tập nhóm
Học đại học đồng nghĩa với việc bạn phải làm bài tập nhóm rất nhiều. Có rất nhiều bạn không thích ứng được với việc làm bài tập nhóm liên tục và luôn cảm thấy bị stress nặng nề mỗi lần phải làm bài tập cùng nhóm.
Có những bạn ghét làm bài tập nhóm tới mức thà được làm bài tập cá nhân mỗi ngày còn hơn phải làm bài tập nhóm định kỳ. Với những trường hợp gặp phải bạn cùng nhóm không có trách nhiệm hoặc không có ý thức làm bài thì quả thật sẽ vô cùng mệt mỏi.
9. Quan hệ bạn bè, quan hệ xã hội
Câu nói "Càng nhiều bạn càng tốt" dường như không còn đúng trong nhiều trường hợp. Bước vào lứa tuổi 20, khi những mối quan hệ xã hội của bạn ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn, sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy, có một người bạn chân thành thực sự sẽ tốt hơn nhiều việc có tới cả trăm người bạn.
Có những lúc bạn cảm thấy mình đối xử rất tốt với người khác, nhưng khi cần lại không có một ai giúp đỡ, hoặc có khi cả năm không một lần liên lạc nhưng khi cần lại có bạn gọi cho mình để nhờ vả.
Hãy đối xử tốt với những người đang ở cạnh chúng ta, và cũng hãy học cách không quá thất vọng khi người đó không còn ở bên cạnh. Bởi suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn là chính bản thân chúng ta mà thôi. Hãy làm những gì mà chúng ta cảm thấy đúng và thoải mái.
10. Bữa cơm gia đình là điều tuyệt vời nhất
Học đại học đồng nghĩa với việc nhiều bạn phải xa gia đình sống tự lập. Sẽ có những lúc bạn nhớ vô cùng những bữa cơm gia đình.
Trước đây có thể không ít lần bạn than vãn cơm mẹ nấu ít món hay lặp đi lặp lại chỉ có vài món ăn. Nhưng rồi thời gian trôi đi, bạn thực sự nhận ra rằng, những bữa cơm mẹ nấu cùng ăn bên gia đình tốt hơn nhiều những bữa cơm ăn một mình hay mua ở ngoài về ăn.