Đừng quá kỳ vọng khi chọn trường cho con

GD&TĐ - Còn khoảng hai tháng nữa các trường học trên địa bàn Hà Nội mới bước vào kỳ tuyển sinh. Vì vậy, đây là thời điểm mà câu chuyện về việc chọn trường cho con lại được các bậc phụ huynh đem ra tranh luận không dứt. Song trên thực tế vấn đề chọn trường chuyên, lớp điểm có thật sự phải bằng mọi giá.  

Đừng quá kỳ vọng khi chọn trường cho con

Đừng vì trường được “gắn mác”

Cũng bởi do nhiều phụ huynh lại chọn trường cho con theo kiểu nghe ngóng độ “hot” của trường qua các diễn đàn, hay lời nhỏ to thầm thì của các phụ huynh với nhau mà càng khiến cho sĩ số học sinh trên lớp tại những trường này trở nên quá tải. Việc chọn trường cho con mà cô bạn thân của tôi chia sẻ lại có những nỗi niềm riêng. Hộ khẩu của gia đình chị ở quận Thanh Xuân, tuy nhiên cơ quan chị làm việc lại gần Trường Tiểu học K.L (thuộc quận Đống Đa). Biết đây là một trường có “thương hiệu” hơn nữa để tiện đưa đón con cho nên chị đã quyết sẽ xin bằng được cho con vào học ở trường này. Vì theo chị như thế là vẹn cả đôi đường.

Chia sẻ về việc chọn trường cho con, cô giáo Hoàng Hương, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội) bày tỏ: Mong muốn con mình được học tập trong ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm là ước muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, vì lẽ đó mà bằng mọi giá để con có được một suất học tại trường thì không nên. Bởi nếu cứ đổ xô vào nộp học bạ cho con vào những trường điểm thì sẽ khiến áp lực tuyển sinh tại các trường này sẽ trở nên căng thẳng.

Việc các lớp học có tới 60 học sinh/một lớp sẽ rất khó khăn cho việc dạy dỗ và học tập của cả cô và trò. Nhất là đối với lớp 1 các con còn bỡ ngỡ rất nhiều. Hàng ngày lên lớp các cô giáo không chỉ dạy về kiến thức cho các con mà còn phải rất tỉ mỉ uốn nắn cách ứng xử cũng như các kỹ năng mềm khác. Bởi vậy nếu lớp quá đông, việc dạy dỗ của cô cũng như việc tiếp thu của các con cũng bị hạn chế.

Nên phù hợp với điều kiện và tính cách của trẻ

Rõ ràng cha mẹ không nên chọn trường cho con theo tâm lý nghe đồn, rằng trường đó tốt, trường đó là trường “điểm”, trường “hot”, mà không biết ngôi trường đó liệu có phù hợp với con mình hay không. Hiện nay có khá nhiều mô hình trường học để bố mẹ lựa chọn cho con. Đối với những gia đình có mức thu nhập tốt, ổn định thì việc lựa chọn cho con những trường học có mức học phí cao, song song với đó là con trẻ sẽ được học tập trong môi trường có cơ sở vật chất tốt, đáp ứng việc phát triển toàn diện các kỹ năng cũng như ngoại ngữ với giáo viên bản địa. Trên thực tế những trường công lập hiện nay đáp ứng nhu cầu của số đông phụ huynh và chất lượng dạy học của các trường cũng ở mức tương đối đồng đều.

Theo TS Giáo dục Đinh Thị Kim Thoa (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì vấn đề chọn trường cho con, ngoài việc phụ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, khoảng cách từ trường tới nhà và điều quan trọng nhất chính là dựa vào đặc điểm thể chất, tính cách của trẻ. Bởi những bé “lành tính”, có khả năng tuân thủ kỷ luật cao và dễ thích nghi đa số sẽ không bị áp lực nếu học trường công và nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.

Ngược lại, nếu trẻ có tính cách “cá biệt” thì cần có những môi trường phù hợp với “khí chất” của các em. Quan trọng là cha mẹ cần tạo lập cho con sự tự tin, chủ động từ nhỏ, có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khác nhau và chuẩn bị tâm thế để bước vào lớp 1.

Bà Lưu Thị Bích Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Do số lượng dân số nhập cư ở những địa bàn có nhiều khu chung cư tăng, nên ảnh hưởng tới sĩ số học sinh trên một lớp. Để đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, UBND quận Long Biên những năm gần đây đã cho xây dựng thêm từ 3 - 5 trường từ bậc học mầm non đến THCS trong mỗi năm. Hiện nay, về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục của các nhà trường khá đồng đều.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cũng như thuận tiện cho học sinh khi đến trường, các bậc phụ huynh nên đăng ký cho con theo học tại các trường học gần khu mà mình sinh sống. Điều này không chỉ tránh được căng thẳng cho mỗi gia đình trong việc chọn lựa trường học cho con mà còn góp phần giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ