Đừng phó thác để rồi bất lực khi thấy con hư!

Phó thác con cho mẹ chồng nuôi nấng dạy dỗ, Cúc không ngờ một ngày cậu con trai tuột khỏi bàn tay mình. Con trai coi Cúc như người xa lạ thậm chí còn đối xử hỗn láo.

Đừng phó thác để rồi bất lực khi thấy con hư!

Cúc vừa dắt xe vào cổng đã nghe thấy tiếng của cậu con trai vọng ra: “Bà  kia, đi đâu mà giờ này mới vác mặt về. Không về sớm mà nấu cơm đi”. Cúc trừng mắt lên dọa nạt, thằng bé chạy vọt vào trong nhà. Cúc lặng lẽ cất xe vào trong, đi xuống bếp.

Trong lúc Cúc đang loay hoay nhặt rau, cậu con trai lại xuất hiện ở cửa. “Con điên, nấu cơm nhanh lên. Bà với mọi người đói lắm rồi đấy”, thằng bé nói. Cúc vờ như không nghe thấy, lẳng lặng tiếp tục làm.

Cậu con trai thấy mẹ không đáp nhời, tiếp tục nói: “Có nghe thấy không hả”. Thừa dịp thằng bé không để ý, Cúc vồ lấy nó, giáng một cú tát thật mạnh. Thằng bé vùng ra, khóc toáng lên rồi lao lên nhà: “Bà ơi, nó đánh cháu bà ơi”.

bat-luc-khi-thay-con-hu-giadinhvietnam.com 1

Nhiều cha mẹ thấy bất lực khi không dạy được con

Chỉ nửa phút sau, mẹ chồng Cúc đã chạy ra ôm chầm lấy cháu và hét: “Ai cho mày đánh nó hả”. Rồi bà lôi xềnh xệch thằng cháu ra đứng trước cửa nhà, gào lên: “Ôi giời ơi làng nước ơi, nó đánh cháu tôi. Nó giết cháu tôi rồi bà con ơi. Hổ dữ không ăn thịt con, thế mà nó đánh thằng bé tối tăm mặt mũi thế này. Quân khốn nạn. Quân vô lại”.

Cứ thế, bà chửi con dâu, bà réo rắt cho cả hàng xóm láng giềng nghe thấy hồi lâu mới chịu thôi. Cúc vẫn lầm lũi làm bếp, cảm giác nghẹn lại trong họng. Cúc không khóc như trước đây nữa, nhưng cảm giác tủi thân, không cam tâm vẫn dâng lên trong lòng. Đến giờ, Cúc cũng không hiểu sao mọi chuyện lại ra nông nỗi này, tại sao cậu con trai của mình lại tuột ra khỏi vòng tay của mẹ như vậy.

Quê Cúc ở Phú Thọ, lên Hà nội phụ cắt tóc gội đầu cho một người quen. Cúc quen với Văn, chồng Cúc bây giờ, trong một lần gặp ở quán nước.

Văn ở phố Thụy Khuê, làm công nhân xưởng cưa. Hai người qua lại một thời gian rồi về chung một nhà. Hai vợ chồng cưới xong thì sống với mẹ Văn. Mẹ Văn là người ác khẩu, hễ có gì không vừa lòng là bà chửi, bà văng tục. Cúc làm dâu cũng phải nhẫn nhịn bà đủ đường, mới có thể yên ổn.

Cúc mang bầu rồi sinh cậu con trai đầu lòng. Đúng lúc ấy thì Văn mất việc vì xưởng cưa đóng cửa. Văn cứ ở nhà hết ra lại vào, hết vào lại ra.

Ở nhà nhiều đâm quen, Văn không chuyên chú đi xin việc mà chỉ tụ tập đánh cờ ở quán nước đầu ngõ với những người vô công rỗi nghề. Mọi thu nhập trong nhà giờ chỉ còn trông vào Cúc. Sau thời gian ở cữ, Cúc để con cho mẹ chồng trông để đi làm. Được cái bà cũng quý cháu nên hết mực chăm chút, lo lắng khiến Cúc rất yên tâm.

Cúc cứ thế lao đầu vào đi làm để lo cho cuộc sống của 3 người lớn, tiền sữa bỉm cho cậu con trai. Quán cắt tóc gội đầu Cúc làm mở hàng từ sáng sớm, nhiều khi làm đầu cho khách đến 12h đêm mới xong. Thế nên lắm hôm nửa đêm Cúc mới về đến nhà. Cậu con trai ngủ luôn với bà nội nên Cúc không đón con về phòng.

Hơn nữa, Cúc chỉ cũng được ngủ có vài tiếng để sáng hôm sau đi làm sớm nên có ngủ cùng con thì sức Cúc không chịu nổi. Cậu con trai quấy khóc vài ngày là Cúc lăn ra ốm. Ốm thì không đi làm được, lại không có tiền để trang trải. Vậy là Cúc cứ phó thác hết thảy cho mẹ chồng.

Nhiều khi cả tuần Cúc không nhìn thấy mặt con bởi khi Cúc về thằng bé đã ngủ, Cúc đi thì thằng bé chưa dậy. Cúc biết là mình không làm tròn bổn phận người mẹ nhưng hoàn cảnh bắt buộc, chẳng còn cách nào khác. Thỉnh thoảng nghe mẹ chồng bóng gió: “Cá chuối đắm đuối vì con. Ấy thế mà cái thể loại đấy chả ngó ngàng đến con tí gì mà vẫn sống được. Chả hiểu ra thể thống gì” lại khiến Cúc không khỏi buồn lòng.

Thằng bé càng lớn càng quấn bà nội. Mẹ chồng Cúc lại chiều cháu hết mực. Đến tuổi cậu con trai bắt đầu biết nhận thức, Cúc thấy thằng bé tỏ ra rất ương bướng. Cúc chợt nhận ra rằng phải tìm cách dạy dỗ con nhưng dường như thật khó khăn. Mọi điều Cúc chỉ dạy, thằng bé đều không nghe lời.

Mẹ chồng Cúc lần nào cũng can thiệp vào: “Cô biết gì mà dạy nó. Việc dạy dỗ nó để tôi là được rồi. Cô không phải lo”. Khi thằng bé làm gì sai, mẹ chồng Cúc đều bênh chằm chặp. Thằng bé được thể ỷ vào bà nội càng chống đối lại mẹ.

Những lúc Cúc bực bội quát mắng, thằng bé đều câng câng lên thách thức. Thậm chí, thằng bé nói hỗn với Cúc. Lần đầu tiên nghe từ miệng con trai gọi mẹ là “Con rồ”, Cúc vô cùng ngạc nhiên, không tin vào tai mình. Cúc lắp bắp hỏi lại: “Con nói cái gì, nói ai là con rồ?”. “Con rồ, con rồ, con rồ”, thằng bé thích chí chỉ tay vào Cúc reo lên.

Cúc xông đến định túm lấy nó thì thằng bé đã chạy lại trốn sau lưng bà nội. “Mẹ đừng che đỡ cho nó. Mẹ để con cho nó một trận về tội hỗn láo”, Cúc tức tối nói. “Nó còn bé biết gì. Người lớn mà chấp với trẻ con à. Cô đừng có hòng động vào cháu tôi”, mẹ chồng Cúc cương quyết.

Trước thái độ của mẹ chồng, Cúc chẳng thể làm gì. Nhưng mọi chuyện chẳng dừng lại ở đó khi cậu con trai Cúc càng ngày càng hư hỗn với mẹ. Thằng bé chẳng hề coi Cúc là mẹ mà chỉ như một người xa lạ, thậm chí thích thú dùng những lời láo lếu để chọc tức Cúc. Còn mẹ chồng Cúc thì luôn che đỡ cho thằng bé. Trên thực tế, trong bụng bà rất sung sướng khi thằng bé thay bà “hành hạ” con dâu cho bõ ghét.

Những lúc cáu tiết không chịu nổi, Cúc tìm cách đánh cậu con trai để thằng bé biết sợ phải nghe lời. Nhưng mỗi lần như thế, mẹ chồng Cúc đều tìm cách che đỡ cho cháu rồi lao ra trước cửa nhà dùng mọi lời lẽ thóa mạ con dâu, làm Cúc xấu hổ với làng xóm láng giềng. Trong lòng xót xa và uất hận, Cúc chỉ biết khóc chứ chẳng thể làm gì khác.

Từ lúc thấy con không nghe lời mình, Cúc đã nói với chồng để mong được ủng hộ sẻ chia. Nhưng Văn phó mặc mọi thứ, nói đúng hơn là nghe lời mẹ, chẳng can thiệp vào bất kỳ chuyện gì. Những lúc Cúc làm găng thì Văn thản nhiên nói: “Mẹ tôi đã nuôi con cho cô ngần ấy năm trời, cô có phải động tay vào làm một cái gì cho nó đâu mà giờ cô đòi hỏi.

Cô cũng phải là con người đáng ghét thế nào thì nó mới đối xử với cô như thế chứ, thế sao nó không láo với tôi đi”. Cậu con trai hiển nhiên không dám láo với bố bởi thằng bé biết là bà sẽ không bênh mình khi bị bố đánh. Nhưng khi nghe Văn nói như vậy, Cúc chẳng buồn đáp lại.

Cúc thấy bế tắc quá. Sinh con mà giờ con lại chẳng coi mình ra cái gì. Không hiểu sau này sẽ ra sao khi cậu con trai ngày một lớn lên. Thằng bé dường như ngày càng hư và hỗn láo, không chỉ với Cúc mà cả với những người xung quanh. Đến giờ, Văn, chồng Cúc đã tìm được công việc mới,

Cúc bớt phải làm việc và có thời gian bên con thì lại chẳng thể dạy con. Nếu vẫn còn ở với mẹ chồng Cúc thì thằng bé sẽ không bao giờ thay đổi được. Mẹ chồng Cúc sẽ không đời nào chịu tự nguyện buông tay để con dâu dạy dỗ cháu. Cúc đã nghĩ đến phương án ly hôn rồi đưa con ra ngoài thuê nhà.

Nhưng Cúc không có tiền tích lũy vì thời gian qua, bao nhiêu tiền kiếm được đều đổ vào trang trải cho gia đình. Hơn nữa, sức khỏe của Cúc bị giảm sút nặng nề sau một quãng thời gian dài làm việc không ngừng nghỉ. Giờ đây Cúc chỉ dám đi làm theo giờ hành chính để đảm bảo không đổ bệnh nặng.

Nếu bây giờ chuyển ra ngoài sống, Cúc không đủ khả năng để chi trả tiền thuê nhà và nuôi con giữa thành phố đắt đỏ này. Cúc cũng không thể đưa con về quê vì không muốn bố mẹ đẻ phiền lòng. Thương cậu con trai sẽ không có đầy đủ cả bố lẫn mẹ, Cúc cũng chùn bước.

Mà cho dù ly hôn, bây giờ thằng bé đã 8 tuổi, vượt quá độ tuổi theo pháp luật quy định sẽ ở với mẹ, nên có khả năng nó sẽ chọn ở với bố và bà khi được tòa hỏi. Và như vậy Cúc sẽ mất con vĩnh viễn. Ít ra thì bây giờ, Cúc còn có thể gặp và nhìn con hàng ngày. Cúc đành chấp nhận cuộc sống trong bế tắc và tủi hận và nuôi nấng một hy vọng mong manh. Biết đâu, một ngày kia mọi cái sẽ có sự đổi thay…

Theo Giadinhvietnam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ