Đừng phân biệt tạp chí "trong nước" và “quốc tế”

GD&TĐ - Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng thì việc quy định ngưỡng tối thiểu là cần thiết để các trường cụ thể hoá chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tiến sĩ .

ĐH Đà Nẵng vinh danh các tân tiến sĩ năm 2021
ĐH Đà Nẵng vinh danh các tân tiến sĩ năm 2021

PGS.TS Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đa Nẵng cho rằng: “Mục tiêu đào tạo tiến sĩ thực chất là đào tạo ra những người có khả năng nghiên cứu độc lập. Cho nên đề tài luận án và sản phẩm công bố khoa học là rất quan trọng.

Luận án bắt buộc phải có tính mới và có giá trị. Sản phẩm nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí uy tín, nghĩa là phải được phản biện, kiểm duyệt chặt chẽ”.

Với quy định trong Quy chế mới về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT yêu cầu nghiên cứu sinh “là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án” cơ bản đã có sự lượng hoá về chất.

Tức là quy định công bố tối thiểu 2,0 điểm công trình (mỗi bài báo tối thiểu phải tính 0,75 điểm) chứ không phải tối thiểu 2,0 bài như trước đây.

Tạp chí Khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục (UED-JSHE) của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã được chấp nhận gia nhập nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng như: Google Scholar, BASE, Index Corpenicus International, PKP Index, JournalTOCS, WorldCat, Crossref, PlumX Metrics…
Tạp chí Khoa học xã hội, nhân văn và giáo dục (UED-JSHE) của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã được chấp nhận gia nhập nhiều cơ sở dữ liệu quan trọng như: Google Scholar, BASE, Index Corpenicus International, PKP Index, JournalTOCS, WorldCat, Crossref, PlumX Metrics…

Trong khi trước đó, TT 08/2017 TT-BGDĐT, yêu cầu “công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện”.

Với quy định này, ở vế thứ nhất, bắt buộc có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus, nhưng bài còn lại thì không yêu cầu ràng buộc, nhưng nhìn chung là rất tích cực hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong đào tạo tiến sĩ.

Thế nhưng, với vế thứ 2, tức là không có bài ISI-Scopus thì “công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện”, ý này xem ra là “thượng vàng hạ cám”.

Nghĩa là vẫn có ngành công bố trên các hội thảo hội nghị quốc tế có chất lượng, chẳng hạn như Công nghệ thông tin thì các hội nghị quốc tế cũng được các nhà chuyên môn đánh giá là có giá trị, nhưng hội thảo nhiều ngành khác thì cho là không đáng tin cậy.

Như vậy, rất khó có một công thức chung để gọi là “ngang ngửa” giữa các ngành, các lĩnh vực khoa học. Nên việc quy định ngưỡng tối thiểu là cần thiết, để các ngành, các trường cụ thể hoá vào chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Trên cơ sở đó nhằm khẳng định uy tín học hiệu cũng như đảm bảo yêu cầu về chất lượng của ngành, lĩnh vực, tất cả phải được công khai để xã hội giám sát. Về căn bản, những quy định của Thông tư 18/2021 là phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14). Tức là cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình trong đào tạo bậc tiến sĩ.

Ngoài ra, theo PGS.TS Võ Văn Minh, những quy định mới trong quy chế đào tạo tiến sĩ cũng sẽ thúc đẩy hệ thống các tạp chí khoa học trong nước có điều kiện phát triển để tiệm cận chuẩn quốc tế. Vì mục tiêu đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn mực quốc tế, thì nền học thuật của quốc gia cũng phải phát triển tương ứng.

Muốn vậy chúng ta cũng cần phải có chính sách song hành. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các lĩnh vực khoa học cũng không thể viện cớ “đặc thù” để né tránh “sân chơi” chung, đó là công bố trên các tạp chí uy tính như WoS/ Scopus. Và như vậy, cần phải thay đổi cách tiếp cận nghiên cứu để cùng hội nhập.

Tuy nhiên, đừng phân biệt các tạp chí của nước ngoài là “quốc tế”, còn các tạp chí của Việt Nam mãi là “trong nước”. Mà phải đặt mục tiêu để đầu tư phát triển các tạp chí của chúng ta sớm được xếp vào danh mục các tạp chí uy tín như WoS/ Scopus.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng dẫn chứng: “Tạp chí Khoa học, Xã hội, Nhân văn và Giáo dục của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đã được đầu tư phát triển và gia nhập rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc tế. Chúng tôi đã xây dựng lộ trình, quy định về yêu cầu chất lượng cũng như chính sách khuyến khích để Tạp chí sớm được xếp hạng vào danh mục Scopus. Nhà trường kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo nhằm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.