Giúp con trẻ bước qua những rào cản để tự tin hơn là vấn đề các bậc phụ huynh phải quan tâm.
“Làm bạn” với… tivi, điện thoại thông minh
Thạc sĩ văn hóa Nguyễn Thành Luân (ngụ tại Quận 2, TPHCM) kể, trong một lần đến nhà họ hàng ở gần khu công nghiệp Sóng Thần (quận Thủ Đức) chơi, thấy hai đứa con của người em đang… “cắm” mặt vào các thiết bị điện tử. Cô em gái xem tivi, người anh trai cầm điện thoại của mẹ xem một chương trình trên YouTube. Thấy người lớn các con chỉ ngước lên nhìn, khi hỏi chuyện gần như trả lời “có hoặc không”, đôi lúc gật đầu.
Trao đổi với người em họ, thạc sĩ Thành Luân nhận được câu trả lời: “Ở khu này trẻ con toàn vậy. Chúng không có chỗ nào để chơi. Người lớn cũng không dám cho sang nhà bên cạnh chơi. Ba mẹ đi làm cả ngày, chiều tối về cũng mệt. Để mấy đứa trẻ bớt chí choé với nhau, bớt nghịch ngợm thì chỉ cho xem tivi, điện thoại…”.
Chị Phan Thái Hải (ngụ tại Quận 12) chia sẻ câu chuyện của bản thân, khi chị là mẹ đơn thân lặn lội từ ngoài Bắc vào Sài Gòn mưu sinh, tối ngày đi làm và giao con cho người giúp việc. Hai bà cháu chủ yếu quanh quẩn trong nhà rồi coi tivi, ít giao tiếp với người ngoài nên con chị… gặp khó khăn về ngôn ngữ, biểu lộ cảm xúc, rất sợ khi gặp người lạ. Chị phải đưa con tới các trung tâm can thiệp sớm cho trẻ chậm nói để được hỗ trợ.
Có thể thấy, dù người lớn đều hiểu rõ tác hại của việc cho con dùng smartphone, máy tính bảng, xem tivi quá sớm. Các bác sĩ, nhà tâm lý, nhà giáo dục cũng đã đưa ra rất nhiều khuyến cáo hậu quả của việc cho những đứa trẻ mê tivi, điện thoại thông minh quá sớm, ít giao tiếp với người lớn, ít được tạo điều kiện, cơ hội để tiếp xúc, chơi đùa cùng bạn bè… Trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp, thiếu tự tin, nhút nhát…, lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm, tự kỷ. Tuy nhiên, thực tế không ít người coi chiếc điện thoại là vật dụng để khiến con ngồi im một chỗ và không chạy nhảy. Bên cạnh đó, điện thoại, tivi cũng là công cụ giúp phụ huynh… “làm mồi” để các con nghe lời mà chẳng cần mất công sức, thời gian chơi với chúng.
Ở một góc nhìn khác, theo thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, hiện có những phụ huynh bao bọc con quá mức cần thiết, làm giúp con mọi việc, rồi không dám cho con được tự nhiên chơi đùa với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ không có bạn bè, ít tham gia các hoạt động chung, không có kỹ năng cơ bản… sẽ dễ dẫn đến có cảm giác tự ti, rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ.
Việc trẻ “bị nhốt” trong thế giới của những chiếc tivi, điện thoại thông minh, trong không gian nhỏ bé… dường như trở nên phổ biến hơn ở những khu đô thị lớn. Ngoài ra, ở các đô thị lớn, xung quanh nhiều khu vực như nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp…. những thiết chế văn hóa, khu vui chơi phù hợp với lứa tuổi của con trẻ không nhiều. Phụ huynh muốn tìm một không gian vui chơi, trải nghiệm cho con trẻ phải di chuyển ở các khu vực xa, tốn kém về mặt chi phí… Ở một số khu nhà cao tầng, chung cư xây lên, thiết chế văn hóa, khuôn viên… cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của dân cư nói chung, con trẻ nói riêng.
Vai trò của cha mẹ rất quan trọng
Theo thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn, ở tầm vĩ mô, quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi, các nhà văn hóa thiếu nhi, thiết kế các hoạt động trải nghiệm… tạo điều kiện cho trẻ tham gia, thì vai trò của phụ huynh để giúp con trẻ tự tin trong giao tiếp là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Chúng ta hay ra lệnh cho con: “Tắt tivi, tắt điện thoại đi. Bỏ iPad xuống nào!”, đó là mệnh lệnh. Tuy vậy, mệnh lệnh được con trẻ làm theo miễn cưỡng, thậm chí nhiều trẻ “ăn vạ” khóc lóc, giận dỗi… Mải mê trong thế giới của công nghệ, trẻ chẳng thèm bận tâm đến xung quanh có những gì. Nhiều người hay nói con “vô tâm”, than vãn con “nhút nhát”… Nhưng chính bản thân người lớn hiện nay cũng rất “khó cai” các thiết bị công nghệ. Lướt mạng xã hội, đọc báo, xem các clip, chơi trò chơi… khiến chiếc điện thoại lúc nào cũng kè kè bên mình. Khi phụ huynh không muốn đặt điện thoại xuống để chơi với con, đọc sách cùng con, đi dạo, tản bộ, dành thời gian trò chuyện hay cùng vẽ tranh, chơi một trò chơi nào đó… rất khó để dạy con trẻ. Phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động trong việc giáo dục trẻ trong giao tiếp, ứng xử, các kỹ năng cơ bản… qua nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày, chứ không phải giao hết cho người giúp việc, “khoán” cho các thiết bị công nghệ, cho trẻ vào một lớp kỹ năng nào…
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn cũng nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc rèn kỹ năng cho trẻ trong giao tiếp, ứng xử các tình huống, xây dựng văn hóa đọc… Tuy nhiên, để góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh, rất cần chung tay đồng hành, phối hợp của phụ huynh.
Theo thầy Lý Đức Thanh, giáo viên tâm lý của Trường THPT Võ Văn Kiệt, Quận 8 cho rằng, việc giúp trẻ tự tin trong giao tiếp phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng gia đình đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp cụ thể như với những trẻ nghiện tivi, điện thoại thuộc về phần ý thức, nhận thức của bản thân và phải có tiến trình phối hợp nhiều phương pháp để tác động thay đổi nhận thức. Tùy từng trường hợp và mức độ sẽ áp dụng những phương pháp phù hợp, cái khó ở đây là phải đả thông tư tưởng, thay đổi nhận thức phụ huynh trước khi thay đổi trẻ. Phụ huynh đóng vai trò quan trọng để giúp trẻ tự tin trong giao tiếp, ứng xử, hình thành các kỹ năng cơ bản. Liên quan đến lựa chọn sân chơi cho trẻ, “kéo” chúng ra thế giới bên ngoài cần chọn sân chơi phù hợp với sở thích, sở trường, lứa tuổi.