Đừng ngộ nhận di sản

GD&TĐ - Đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rồi bị kiến nghị rút – là sự kiện hi hữu đối với ngành văn hóa.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc - con cháu vua Gia Long, cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sự việc này khẳng định, ngành văn hóa cần thật thận trọng khi xét duyệt hồ sơ di sản. Đồng thời, phải bảo vệ tính chính đáng của một hồ sơ khoa học và tính chính danh của lịch sử, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” một cách trọn vẹn.

Vừa qua, lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh An Sơn miếu tại huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên sau đó, quyết định này gây ra không ít băn khoăn trong dư luận giới sử học. Ngày 26/4, hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tổ chức tọa đàm khoa học “An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản”.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều nhất quán với quan điểm Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Lôn (Côn Đảo - nơi xuất phát truyền thuyết về bà Phi Yến).

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế yêu cầu, cần phải trả lại mối hàm oan “coi vợ con như rơm rạ” của vua Gia Long.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) nói rằng, truyền thuyết về bà thứ phi Hoàng Phi Yến có thể có nguồn gốc từ tập tục thờ Thánh nữ của cư dân biển. Cục Di sản văn hóa đã tùy tiện, đơn giản và có sự tắc trách trong việc công nhận mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến.

Kết luận buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu thống nhất với nhận định: Triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, rất gần với thời đại chúng ta. Những văn bản chính sử triều Nguyễn với những ghi chép rõ ràng, bảo đảm lai lịch và hành trạng cũng như công nghiệp của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể xuyên tạc.

Đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rồi bị kiến nghị rút – là sự kiện hi hữu đối với ngành văn hóa. Tuy nhiên, điều này cũng khiến chúng ta phải tỉnh thức – không chỉ với hồ sơ di sản, mà còn với lễ hội mang danh văn hóa.

Từ khi “Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – cũng là lúc hiện tượng biến tướng, thương mại hóa, hiểu sai lệch về tín ngưỡng diễn ra tràn lan. Nhiều người lầm hiểu tín ngưỡng đó là lên đồng, hầu đồng nên mở cửa cho lên đồng thoải mái. Nhiều nơi, nhiều người không hiểu rõ cái gốc của di sản hoặc cố tình không hiểu nhằm mục đích trục lợi cá nhân.

Thiết nghĩ, ngành văn hoá không chỉ phải cẩn trọng khi xét duyệt hồ sơ di sản, mà cần quản lý sao cho di sản đó tỏa sáng. Một di sản bị rút khỏi danh mục chưa nghiêm trọng bằng một di sản bị biến tướng, để rồi gây ra những hệ lụy tăm tối cho nền văn hóa quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.