Tạo sức sống bền vững cho di sản

GD&TĐ - Mô hình trường học gắn với bảo vệ các di sản văn hóa được ngành Giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học.

Hoạt động ngoại khóa về giáo dục di sản tại Trường THPT Phong Châu, Phú Thọ. Ảnh: NTCC
Hoạt động ngoại khóa về giáo dục di sản tại Trường THPT Phong Châu, Phú Thọ. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo đã giúp học sinh hiểu hơn về giá trị truyền thống, trường tồn của các di sản văn hóa.

Phong phú hình thức giáo dục

Giáo dục di sản, tăng cường nhận thức cho học sinh về những di sản văn hóa địa phương rất quan trọng, nhấn mạnh quan điểm này, cô Hà Thị Lịch - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT, nhà trường có nhiều biện pháp để tăng cường giáo dục di sản địa phương. Trong đó có việc chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường kết hợp giáo dục về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng trong quá trình giảng dạy. Lựa chọn các bài học, chủ đề để tích hợp các nội dung di sản phù hợp, nhất là trong môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Nhà trường tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên tổ chức cho học sinh tham gia chương trình dâng hương, diễu hành trong Lễ hội Đền Hùng theo huy động của Tỉnh đoàn. Đoàn Thanh niên tổ chức cho học sinh vệ sinh, trồng cây tại nhà trường, khu dân cư trong thời điểm diễn ra Lễ hội Đền Hùng.

Những hoạt động trải nghiệm “Về miền lễ hội và hội chợ ẩm thực nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc”, hoạt động giáo dục ngoài thực địa tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng… nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh. Qua đó, vừa phát huy năng khiếu sở trường của các em, vừa góp phần tạo sức sống bền vững cho di sản trong cộng đồng.

Tại Trường THPT Phong Châu, vì dịch bệnh không thể tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, nhà trường đã linh hoạt chuyển sang hình thức cuộc thi trên nền tảng Google Form để tìm hiểu về ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Hiện, hệ thống câu hỏi của cuộc thi được chuẩn bị xong; thông tin cuộc thi và đường link câu hỏi sẽ được đăng tải trên trang website của trường, fanpage đoàn trường trong thời gian tới.

Chia sẻ thông tin này, cô Lê Thị Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Phong Châu - cho biết: Để nội dung giáo dục di sản hấp dẫn, tạo sức hút với học sinh, nhà trường tạo điều kiện để giáo viên phát huy sự chủ động trong xây dựng chương trình, kế hoạch. Học sinh được chủ động tham gia vào quá trình học tập qua việc chia nhóm, độc lập lựa chọn nội dung tìm hiểu, giới thiệu về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”,

Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng dưới sự hướng dẫn của giáo viên để tạo ra các sản phẩm học tập. Học sinh thuyết trình trực tiếp/trực tuyến bài làm của nhóm trước cả lớp, được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, tăng khả năng tự tin khi trình bày trước đám đông. Nhà trường đồng thời tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm tại các không gian văn hóa gắn liền với “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng, như dâng hương tại Đền Hùng, Đền Lạc Long Quân, Đền Mẫu Âu Cơ; tham quan Bảo tàng Hùng Vương...

Buổi học ngoại khoá của học sinh Trường THPT Phong Châu, Phú Thọ
Buổi học ngoại khoá của học sinh Trường THPT Phong Châu, Phú Thọ

Triển khai 47 mô hình điểm

Theo ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, hằng năm, sở GD&ĐT đều ban hành văn bản, chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai công tác phối hợp thực hiện bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng trong trường học. Trên cơ sở văn bản ban hành, các trường xây dựng mô hình trường học gắn với di sản đạt được những kết quả tích cực.

Hiện, mô hình trường học gắn với bảo vệ các di sản văn hóa được ngành Giáo dục Phú Thọ triển khai sâu rộng đến tất cả cấp học, ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, có 47 mô hình điểm phù hợp từng địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa, có tác động to lớn đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Thông qua các mô hình, còn giúp nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; phát huy tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong quá trình dạy, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học tại Phú Thọ đa số đang dạy học trực tuyến, các hoạt động bảo tồn di sản trong những năm gần đây do ảnh hưởng dịch kéo dài cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó là khó khăn về hình thức tổ chức, kinh phí tổ chức thực hiện cũng eo hẹp hơn khi các nhà trường và toàn ngành phải đầu tư chống dịch...”. Chia sẻ điều này, ông Phùng Quốc Lập đồng thời đưa giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trên.

Ông Phùng Quốc Lập dẫn chứng một số đơn vị tiêu biểu, như: Trường Tiểu học Ðinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì), một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn. Ngay từ khi triển khai, trường đã chọn việc bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan làm chủ đề chính của mô hình. Trường THPT Phong Châu những năm học gần đây xây dựng mô hình “Trường học gắn với bảo vệ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, tổ chức các hoạt động theo từng tháng, từng quý với chủ đề, chủ điểm khác nhau.

Theo đó, ngành GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” để đẩy mạnh công tác giáo dục trong nhà trường về giá trị hai di sản: Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Ngành cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức các di sản; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phường Xoan gốc, nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của cơ quan liên quan, cộng đồng trong việc truyền dạy hát Xoan ở cơ sở giáo dục. Từ đó, giúp học sinh biết quý trọng, phát huy những giá trị của di sản.

“Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động trên của nhà trường bị ảnh hưởng. Tuy nhiên với sự sáng tạo của giáo viên và học sinh, việc giáo dục “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng vẫn được thực hiện nghiêm túc, bình thường trong dạy học trực tuyến. Giáo viên vẫn bảo đảm thời lượng dạy kiến thức kết hợp với giáo dục về lịch sử địa phương nhấn mạnh tới giáo dục di sản. Các hoạt động của Đoàn Thanh niên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông online về việc giáo dục văn hóa, di sản”, cô Hà Thị Lịch - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.