Thuật ngữ “nấm mồ tư liệu” được nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra trong một hội thảo khoa học xoay quanh việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, mà còn đánh mất cơ hội lan tỏa giá trị di sản mà cha ông để lại.
Từng có thời, nhiều người kể cả trong giới bảo tồn có quan niệm rất sai lầm rằng, bảo tồn là phong kín, cất kỹ và thậm chí không để ai thấy ai hay. Quan niệm này đã khiến cho việc bảo tồn trở nên thất bại, vì càng phong kín – như ngôi nhà không có người ở, càng dễ hư hại.
Từ việc phong kín di sản, dẫn tới việc phát huy là không thể thực hiện. Người dân không được tiếp xúc, không thấy hiện vật thì dù có ra rả nói cũng khó thuyết phục.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ rằng, khi tham gia một chuyến sang Nga để khai thác các tư liệu lịch sử mới. Tuy nhiên, đến khi mang về thì những tư liệu đó lại bị “đóng kín lại, thậm chí gói chặt, dán tem, không cho ai tiếp cận”. Sau đó, một đơn vị khác cũng cần tư liệu tương tự, phải mất công lặn lội sang Nga vì không tiếp cận được tư liệu đã cất kín trong kho.
Thậm chí, 4 trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước vẫn chưa chia sẻ được dữ liệu với nhau. Muốn tìm tài liệu ở cả 4 trung tâm thì không cách nào khác, phải đi đến từng nơi. Mà điều này, chỉ có thể làm được nếu là một nhà nghiên cứu đầy kỳ công và có tài chính.
Cho đến nay, Việt Nam có 7 di sản tư liệu. Trong đó, có 3 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám; 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ.
Ngoài các di sản trên, nước ta còn khối lượng vô cùng đồ sộ các tư liệu cổ được bảo tồn trong các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, hoặc trong các di tích đình chùa. Mới đây, bộ mộc bản “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của đại danh y Lê Hữu Trác được công nhận là bảo vật quốc gia. Thế nhưng, chúng ta tự hỏi đã bao nhiêu người được tiếp cận với các di sản ấy, để hiểu nội dung cũng như giá trị quý báu?
Phát huy các giá trị di sản, không gì bằng để người dân được mắt thấy tai nghe. Nhưng ngay trong việc tiếp cận nội dung còn khó, thì nói gì đến việc lan tỏa ý nghĩa và giá trị của di sản.
Thiết nghĩ để công tác bảo tồn song hành với phát huy giá trị, chúng ta cần giao và phân quyền một cách mạch lạc, có đầu mối. Đồng thời số hóa cụ thể từng di sản để người dân dễ dàng tiếp cận. Hơn thế nữa, bảo tồn cần phải khoa học, hợp lý chứ không phải “đóng kín, gói chặt”, biến di sản thành “nấm mồ tư liệu”.