Dùng muỗi vô sinh để… diệt muỗi

GD&TĐ - Công ty Verily, một công ty nhỏ thuộc Alphabet, công ty mẹ của Google, vừa tung ra dự án DebugFresno với mục đích trừ muỗi. Theo đó, họ sẽ thả 20 triệu con muỗi đực vô sinh khắp 2 khu dân cư của hạt Fresno, bang California.

Dùng muỗi vô sinh để… diệt muỗi

Đây là một cuộc nghiên cứu thuộc lĩnh vực trừ muỗi lớn nhất từ trước đến nay được tiến hành ở Mỹ nhằm kiềm chế bầy đàn của loài côn trùng mang mầm bệnh này.

Cuộc thử nghiệm trên phạm vi rộng là một phần thuộc dự án Debug của Verily được bắt đầu hồi tháng 10 năm rồi.

Đây được xem là phương pháp an toàn để chống lại hiểm họa bệnh tật do muỗi lan truyền trên khắp thế giới. Ý tưởng của các nhà khoa học là sử dụng kỹ thuật côn trùng vô sinh (SIT), thả một số lượng lớn côn trùng không có khả năng sinh sản vào thiên nhiên nhằm làm giảm số lượng của chúng.

SIT đã triển khai thành công nhiều lần khắp thế giới trên 50 năm qua, trừ tiệt một số loài côn trùng gây hại như ruồi đinh vít (screw-worm fly) ở Mỹ và ruồi giấm Mexico ở miền bắc Mexico. Tiến trình gây vô sinh loài côn trùng trên có liên quan đến việc sử dụng chất phóng xạ nhưng kỹ thuật này được cho là không có hiệu quả đối với loài muỗi.

Hiện nay, các nhà khoa học đã chuyển sang một vi khuẩn tự nhiên mới xuất hiện có tên gọi là Wolbachia. Cuộc nghiên cứu đã tìm thấy muỗi đực nhiễm loài vi khuẩn này bị vô sinh. Chúng vẫn tìm đến muỗi cái để giao phối nhưng trứng của muỗi cái đẻ ra không nở thành ấu trùng. Việc thả số lượng lớn muỗi đực bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia sẽ làm tiêu hao quần thể muỗi tại địa phương trong một thời gian ngắn.

Loài muỗi đực không đốt và hút máu, vì vậy thả khối lượng lớn chúng vào môi trường sẽ không tác động đến sức khỏe con người. Ngoài ra, vì tiến trình có liên quan đến việc sử dụng một vi khuẩn tự nhiên sẽ không cần thiết áp dụng kỹ thuật biến đổi di truyền. Điều này đã giúp kỹ thuật tránh được vấn đề tranh cãi về mặt đạo đức xoay quanh việc phóng thích rộng rãi sinh vật biến đổi gene vào môi trường.

Thách thức lớn mà các nhà khoa học cần vượt qua là việc triển khai phương pháp ở mức độ rộng, sự tốn kém lớn và thời gian bỏ ra để phân loại, nuôi chỉ muỗi đực, cho chúng nhiễm khuẩn Wolbachia. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia công nghệ và máy tính của Verily nắm bắt vấn đề và vào cuộc.

Họ đã phát triển được một hệ thống tự động nuôi hàng loạt, có thể phân loại giới tính muỗi một cách hiệu quả, do đó chỉ muỗi đực được thả vào khu dân cư. Hệ thống này hiện có thể cho ra 1 triệu muỗi đực vô sinh mỗi tuần.

Công ty cũng đã phát triển các thuật toán phần mềm đặc chế và các thiết bị thả được thiết kế để phân phối đồng đều số muỗi vào các khu phố. Phần mềm này có thể theo dõi các quần thể muỗi trong một khu phố và quản lý hiệu quả sự phân bố của muỗi vô sinh suốt một mùa.

Trong trường hợp của dự án Debug Fresno, công ty sẽ thả 1 triệu con muỗi mỗi tuần trong 20 tuần khắp 2 khu dân cư. Đây chỉ là nghiên cứu trong phạm vi lớn đầu tiên trong số một vài nghiên cứu đã được lên kế hoạch với một nghiên cứu khác sẽ triển khai ở Australia vào cuối năm, với sự cộng tác của tổ chức Nghiên cứu khoa học thuộc khối Thịnh vượng chung (CSIRO) ở Úc.

Theo Newatlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ