Đối với những học sinh chủ động mua sách và đam mê sách, tôi luôn ủng hộ bằng việc tặng những quyển sách mang tính giáo dục, có ích cho việc học tập để các em tham khảo.
Điều đó làm tôi rất vui vì một số bạn trẻ bây giờ không hẳn nghiện Internet mà vẫn còn đam mê đọc sách kiểu truyền thống.
Tuy nhiên, có không ít học trò của tôi, dù mua sách về nhà nhưng quyển sách vẫn mới tinh, trang sách thẳng thớm, dù đã nhiều năm nằm trên giá. Đó là bởi các em chưa từng đọc một trang nào bên trong quyển sách đó.
Trao đổi với nhiều giáo viên trong trường cũng như những trường khác, các thầy cô cũng than phiền về trường hợp này. Mọi người cho rằng đây có thể gọi là một trào lưu mới trong phong cách cũ. Tức là các em mua sách chỉ vì thần tượng nhà văn đó chứ không phải để đọc.
Nhiều học sinh con gia đình khá giả, thoải mái trong chi tiêu nên không ngần ngại mua những quyển sách đắt tiền để mang về phòng trưng trong tủ kính, kệ sách cho phong phú, ấn tượng.
Cũng có trường hợp, học trò mê các danh tác thế giới nên mua về dự định đọc nhưng vì sách có quá nhiều chương thành ra ngán ngẩm, hoặc vì bận rộn rồi rơi vào quên lãng.
Đọc sách không những giúp con người tư duy mà còn khiến cho chúng ta linh hoạt trong cách giao tiếp, diễn đạt văn nói, văn viết trôi chảy. Ngoài ra, sách còn nâng cao đời sống tinh thần thêm phong phú, vốn sống xã hội rộng hơn, giảm bớt tính khí hung hãn.
Vì vậy học trò (kể cả người lớn) nên chịu khó đọc sách truyền thống như là cách trau dồi kiến thức xã hội cũng như bổ trợ cho việc học, việc làm tốt hơn.
Ngoài ra, một khi đã quyết định mua sách thì phải nên đọc (thậm chí là đọc nhiều lần), đừng mua theo trào lưu, làm cảnh, lấy tiếng mà gây lãng phí tiền bạc.