Đừng mang bực tức về nhà

GD&TĐ - Bạn dạy cùng trường của tôi thường tâm sự về chuyện chồng mình dạo này đi làm về hay khó chịu, dễ nổi cáu. Mỗi khi ở cơ quan chồng có chuyện không vui là y như rằng chiều tối hôm đó không khí gia đình của bạn rất nặng nề, bữa cơm tối không còn vui vẻ nữa.

Đừng mang bực tức về nhà

Tôi may mắn có một người chồng tâm lí. Chồng tôi ít khi khó chịu với mọi người trong gia đình. Trái lại, lúc nào anh cũng vui vẻ với cả nhà, dù có những khi công việc không như ý muốn hay anh gặp nhiều áp lực, khó khăn ở bên ngoài. Bởi cũng như tôi, chồng tôi quan niệm, những bực dọc bên ngoài xã hội không nên mang về nhà.

Cuộc sống không phải bao giờ cũng thoải mái, thuận lợi. Hơn nữa, trong thời hiện đại, những áp lực, căng thẳng đến với con người dường như nhiều hơn. Những thất bại, bất đồng, mệt mỏi, stress là điều không thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề ứng xử với điều này như thế nào.

Nhiều người lựa chọn một cách nào đó để giải tỏa như chơi thể thao, nghe nhạc, tâm sự với bạn bè, chạy xe đi đâu đó, thậm chí là vào quán nhậu… Nhưng cũng không ít người mang những bực tức ấy về nhà. Có người chỉ kể với vợ hoặc chồng nhưng rất nhiều người lại xem gia đình là nơi để giải tỏa tâm trạng. Và những thành viên còn lại của gia đình vô tình trở thành các nạn nhân, phải chịu đựng cả bực bội vốn không liên quan với mình.

Có những điều không vui trong công việc, cuộc sống có thể chia sẻ với vợ chồng, con cái. Nhưng ở một giới hạn nào đó thôi. Đừng mang tất cả những bực dọc, hằn học trong ngày về nhà. Đặc biệt, đừng xem gia đình là một sọt rác tâm trạng mà ta muốn quẳng vào đó cái gì và lúc nào cũng được. Gia đình là nơi để sẻ chia, yêu thương nhưng không nên để những tâm trạng không tốt của ta làm ảnh hưởng đến mọi người, nhất là các con đang trong tuổi mới lớn. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trước khi về nhà, ta nên cố gắng để lại những áp lực, bực bội bên ngoài và bước vào nhà bằng gương mặt tươi vui nhất có thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ