Cuối năm 2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỷ đồng - tương đương 58,71 tỷ USD.
Theo thuyết trình của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, tốc độ thiết kế của dự án sẽ cho đoàn tàu chạy tốc độ 350 km/h, tốc độ đưa vào khai thác là 320 km/h. Dự án được đầu tư để chở khách.Còn với hàng hóa và khách địa phương, sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại để phục vụ.
Còn phương án của Bộ KH&ĐT mới gửi Thủ tướng, dự án được căn cứ theo những phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan cho rằng, tốc độ chạy tàu trục Bắc - Nam khoảng 200km/h là hiệu quả, tổng mức đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD. Nếu tính thêm các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao… tổng đầu tư còn giảm nữa.
Ngoài ra, với tốc độ khai thác 200km/giờ, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TPHCM sẽ vào khoảng 8 giờ. Còn nếu giảm thời gian di chuyển xuống còn khoảng 5 giờ sẽ chỉ là sự lãng phí vốn đầu tư. Như vậy, nếu rút ngắn thời gian chạy tàu Hà Nội – TPHCM 3 giờ, sẽ phải tốn thêm hơn 36 tỷ USD.
Còn nhớ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam năm 2010 đã được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội khóa XI với mức đầu tư là 56 tỷ USD. Khi đó, đã có nhiều chuyên gia cùng đại biểu Quốc hội phê phán gay gắt và không thông qua, bởi nếu thực hiện, đây sẽ là dự án lãng phí và để lại món nợ rất lớn cho các thế hệ mai sau.
Mặc dù đã bị Quốc hội bác, cùng nhiều ý kiến phê phán nhưng Bộ GTVT vẫn không có phương án khác thay thế. Và mới đây Bộ trưởng GTVT lại trình Thủ tướng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vẫn với tốc độ 350 km/h và mức đầu tư 58,71 tỷ USD.
Trước đề xuất của Bộ KH&ĐT, phía ngành GTVT đã ra sức bao biện cho việc “vẽ” dự án với kinh phí đầu tư khủng. Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI (đại diện liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS) – đơn vị tư vấn nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của Bộ GTVT, đã đưa ra nhận định rằng tính toán của Bộ KH&ĐT là “không có cơ sở”. Ông Sơn cũng cho rằng, công nghệ chạy tàu tốc độ cao được Bộ GTVT đề xuất là xu thế được nhiều nước áp dụng. Nếu chọn tàu tốc độ 200 km/h sẽ đi ngược lại xu thế thế giới. Chúng ta xây dựng đường sắt tốc độ cao sau các nước hàng chục năm mà trong tương lai vẫn dùng tàu 200 km/h thì e rằng tầm nhìn kém.
Còn phía lãnh đạo Bộ GTVT thì cho rằng: Kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT cũng như ý kiến của Bộ KH&ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án... sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Điều mà dư luận quan tâm là tàu cao tốc Hà Nội – TPHCM có cần thiết phải chạy nhanh thêm 3 tiếng đồng hồ để “đốt” hơn 36 tỷ USD như phía ngành GTVT vẫn đang muốn thực hiện(?). Nếu đi tàu với thời gian đó mà tiền vé rẻ hơn đi máy bay thì người dân sẽ lựa chọn sử dụng, và ngành đường sắt mới có cơ hội thu được vốn đầu tư. Còn nếu quãng đường đó dù có rút ngắn được thời gian xuống còn 5 giờ, nhưng giá vé cao hơn gấp đôi - đắt ngang vé máy bay thì không ai lựa chọn. Hậu quả nhãn tiền đã được thấy ngay từ bây giờ nếu chọn phương án chạy tàu 350km/h.
Mặt khác, với cách thực hiện dự án của ngành GTVT như vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng: Liệu có xảy ra chuyện “đội vốn” như “đại dự án” đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Bến Thành – Suối Tiên; Nhổn – Ga Hà Nội… Và khi đã “lỡ” đầu tư, đâu có thể bỏ mặc dự án dở dang, khi đó ngân sách lại “oằn mình hứng chịu”.
Chọn dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với phương án 26 tỷ USD hay phương án đầu tư 58,71 tỷ USD? Trách nhiệm là của các cơ quan chức năng. Nhưng chắc chắn dư luận sẽ không muốn “đốt” hàng chục tỷ USD chỉ để giảm 3 tiếng đồng hồ chạy tàu cùng với danh hão “tầm nhìn kém” như lời của vị Tổng Giám đốc TEDI, bởi cho đến nay, các quốc gia hiện đại cũng đang sử dụng loại tàu có tốc độ trung bình 200km/h.