Đừng để tri ân thành… vô nghĩa

GD&TĐ - Tri ân là hoạt động ý nghĩa để học sinh cuối cấp thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của mình tới cha mẹ, thầy cô, bạn bè.

Hãy biến những lễ tri ân thành cơ hội giáo dục học trò trong bước đường tiếp theo. Ảnh: IT
Hãy biến những lễ tri ân thành cơ hội giáo dục học trò trong bước đường tiếp theo. Ảnh: IT

Lễ tri ân cũng góp phần giáo dục học sinh thêm chín chắn trong nhận thức và hành động ở chặng đường phía trước. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, các lễ tri ân cần được triển khai phù hợp, cẩn trọng. 

Trăn trở lễ tri ân

Chị Lê Thị Thơm (Chùa Bộc, Hà Nội) từng dự lễ tri ân của con gái đầu khi con học hết lớp 12 và năm nay chuẩn bị dự lễ tri ân của con trai thứ 2 với băn khoăn khâu tổ chức liệu có khác?

Chị Thơm kể: Con gái và các bạn từng than phiền phải tập dượt nhiều lần cho lễ tri ân, từ việc ngồi chỗ nào, bày tỏ thái độ ra sao cho “xúc động”; tặng hoa, nói lời tri ân với thầy cô trên sân khấu thế nào... Chúng con muốn để cảm xúc, tình cảm đến với thầy cô trong giờ phút ấy một cách tự nhiên nhưng phải “diễn” nên ai cũng thấy gượng gạo, ngại ngùng… Đó là chưa kể việc tập dượt kỹ lưỡng khiến nhiều học sinh mệt mỏi, uể oải. Bản thân các em cũng không thể chú tâm hoàn toàn vào những bài diễn văn của thầy cô trên sân khấu.

Anh Hà Dũng (Thanh Xuân, Hà Nội) là một trong số phụ huynh nhận thấy lễ tri ân hiện nay còn dài dòng, hình thức không có sự đổi mới. “Bên trên thầy đọc diễn văn dài hàng gang, dưới học sinh chơi điện tử, vào Facebook, chụp hình lưu niệm, ký vào áo, sổ… Giáo viên chủ nhiệm dù nhắc nhở cũng không dẹp hết hành động tự phát, thiếu nghiêm túc của trò. Lễ tri ân hiện nay đầy đủ điều kiện nhưng thiếu đi những giọt nước mắt xúc động, bịn rịn của cả thầy và trò như thời của chúng tôi...”, anh Dũng nói.

Hơn 20 năm gắn bó với giáo dục, chứng kiến nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lào Cai (Lào Cai) cũng băn khoăn đưa ra suy nghĩ: Nhiều lễ tri ân đang bị “biến tấu” khó chấp nhận. Thậm chí, có trường tiểu học đưa lễ tri ân ra nhà hàng, học sinh nhỏ tuổi vẫn tổ chức lễ tiệc như người lớn; vài tiết mục ca hát sôi động, chụp hình lưu niệm ào ào…

Có những lễ tri ân của học sinh THCS, THPT lại nặng về phần lễ, liệt kê thành tích, cả phụ huynh và học sinh ngán ngẩm sự dài dòng, khiên cưỡng cảm xúc. Khi phần hội quá đà, học sinh lại ăn uống, ca hát, nhảy múa thiếu kiểm soát. Kết thúc tri ân thiếu lắng đọng những cảm xúc, chia sẻ, ước hẹn, nhắn nhủ của thầy trò…

Thực tế cũng cho thấy, các nhà trường hiện nay đã rút kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ tri ân cho học trò. Tuy nhiên, vẫn còn những lễ tri ân trở thành sân chơi cho phụ huynh, gia đình có điều kiện đua nhau trao quà với giá trị vật chất lớn cho con em mình và nhà trường. Điều đó, khiến cho người “ngoài cuộc”, người đến với lễ tri ân để được chứng kiến thời điểm con em trưởng thành… không khỏi chạnh lòng. Nhiều phụ huynh dù không muốn cũng bỏ ngang ra về khi lễ tri ân đã dài lại nhạt, không mang giá trị giáo dục với học trò.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trong lễ tri ân. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trong lễ tri ân. Ảnh: NTCC

Để không đọng lại nỗi buồn

Ở vai trò phụ huynh, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 12 bày tỏ: “Tôi không cần những giọt nước mắt giả tạo từ các con với thầy cô bạn bè và bố mẹ. Càng không muốn những lễ tri ân dài dòng nặng về báo cáo thành tích năm học. Những gương mặt học trò được trang điểm quá kỹ, mất đi sự ngây thơ hồn nhiên của lứa tuổi.

Hãy cho các con chứng kiến một lễ tri ân đúng nghĩa. Thầy và trò được nói lên tình cảm chân thành, mộc mạc nhất từ trong lòng. Tri ân để học trò trưởng thành, đừng đặt ra quá nhiều ý tưởng, hoạt động không thiết thực, thiếu liên quan khiến giảm đi ý nghĩa”.

Cô Nguyễn Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Lào Cai đặt câu hỏi: Sao không tổ chức các lễ tri ân ngay trong không gian sân trường, thậm chí có thể nhỏ hơn ở quy mô lớp học với những hoạt động đơn giản nhưng ấm áp tình thầy trò? Việc chuẩn bị đồ liên hoan trong các lễ tri ân cũng chỉ nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi. Có thể để học sinh kể vể những tiết học, môn học hoặc thầy cô ấn tượng. Hoặc tùy khả năng cho các em được viết, vẽ về những kỷ niệm, bạn bè, thầy cô sau một chặng đường dài học tập, trải nghiệm. Những lưu bút của học trò được dán lên trong lớp học, kẹp vào sổ lưu bút nhà trường...

“Hãy để những hoạt động tri ân thiết thực, gần gũi, tránh sự xô bồ, hình thức. Hãy tận dụng hoạt động ý nghĩa này để giáo dục học sinh ở những chặng đường tiếp theo...”, cô Hồng bày tỏ mong muốn.

Nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) tổ chức lễ tri ân nằm trong lễ tổng kết năm học. Sẽ không có những tiết mục rườm rà, chỉ một số học sinh đại diện lên nói lời cảm ơn tới thầy cô, bố mẹ... Tổ chức “hoành tráng” nhưng không đúng hướng, đạt yêu cầu, ý nghĩa thì tri ân cũng trở nên vô nghĩa, lãng phí, thậm chí phản cảm.

“Sự lạnh nhạt của một số phụ huynh đối với các buổi lễ tri ân trong thời gian gần đây có thể do nguyên nhân từ cách tổ chức của các nhà trường. Nhiều trường tổ chức quá hoành tráng dẫn tới tốn kém và phải có sự huy động đóng góp từ phụ huynh. Trong khi đó, với phụ huynh vùng nông thôn, nơi điều kiện khó khăn thì mọi khoản đóng góp cũng phải cân nhắc, tính toán…”, thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) nhấn mạnh.

Nguyễn Minh Huyền, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ: Em trải qua một năm học với bao áp lực bài vở. Phía trước em còn Kỳ thi tốt nghiệp THPT vô cùng quan trọng. Được chứng kiến một số lễ tri ân, em mong muốn sự kiện này đối với bản thân và bạn bè sẽ diễn ra đơn giản, ấm áp, có sự xuất hiện của bố mẹ. Chúng em sẽ được nói những lời cảm ơn chân thành tới gia đình, thầy cô và nhận được sự động viên của mọi người để vững vàng vượt qua kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.