Đừng để tiền mất mà “bệnh vẫn mang”

GD&TĐ - Người xưa có câu: “Một đồng không tốn, bốn đồng không đủ”.

Khám tầm soát phát hiện bệnh sớm.
Khám tầm soát phát hiện bệnh sớm.

Câu nói này nhằm “cảnh báo”, nếu trước đó không bỏ ra một đồng, nghĩa là dùng một số tiền ít thì sau đó sẽ phải bỏ ra đến bốn đồng (phải dùng một số tiền nhiều hơn).

Dưới góc nhìn của các chuyên gia làm công tác y tế dự phòng thì một đồng đó chính là... phòng bệnh, còn bốn đồng kia chính là... chữa bệnh vậy.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Sống giữa thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, khi các bệnh dịch như Ebola, SARS, Cúm gia cầm... và hiện là Covid-19 thì đâu đâu cũng nghe thấy những thông tin tuyên truyền và công tác triển khai phòng chống dịch rầm rộ.

Tất cả các bệnh viện lớn bé và các ngành chức năng đều vào cuộc một cách mạnh mẽ. Điều đó cho thấy việc triển khai công tác phòng bệnh quan trọng đến nhường nào. Tất cả hướng tới mục tiêu phòng bệnh tốt hơn là để bệnh xảy ra, lúc ấy mới tìm cách chữa thì sự việc đã quá muộn màng! Hoặc chí ít nhờ những hoạt động mang tính dự phòng này mà khi đối mặt với bệnh dịch xảy ra chúng ta không quá ngỡ ngàng.

Có thể nói ví von, ta bỏ ra “một đồng” làm công tác dự phòng, ngăn chặn dịch bệnh từ trong trứng nước, tốt hơn là phải mất đến hơn “bốn đồng” khi bệnh xảy ra để cứu chữa mà chưa chắc đã được như mong muốn, nào khác chi “bốn đồng không đủ” vậy!

Trong tình huống khác, bỏ ra “một đồng” là để khám phát hiện sớm bệnh tật để có thể chữa trị sớm, tốt hơn là để bệnh xảy ra đến giai đoạn cuối mới đi khám chữa bệnh, thì lúc đó không những “bốn đồng” mà có khi cả “bốn chục đồng” cũng không thể cữu vãn được tình thế, hoặc tiền mất hết mà tật vẫn cứ phải mang.

Trước đây, có thể do cuộc sống khó khăn, do nhận thức và ý thức phòng bệnh còn hạn chế, nhiều người rất thờ ơ với những vấn đề sức khỏe của bản thân. Nói đến phòng bệnh là nói đến một vấn đề gì đó xa xôi và thậm chí còn được cho là... viển vông, không cần thiết lắm.

Cái ăn hiện còn quá thiếu mắc chi phải đi lo cái chuyện đang còn lơ lửng tận đẩu tận đâu. Nhưng rồi dần dà, những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu kia bị bong tróc đến tận gốc rễ. Trong vài thập niên gần đầy trẻ em được tiêm chủng gần như 100% để phòng 6 bệnh căn bản như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và sởi.

Nhờ đó mà tỉ lệ mắc và chết vì các bệnh này giảm một cách đáng kể và thậm chí có những nơi tỉ lệ mắc - chết gần như bằng không.

Hiện, để đối phó với dịch Covid-19, tất cả các nước trên thế giới nói chung và các tỉnh, thành phố ở Việt Nam nói riêng đều khẩn trương tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho những người trên 18 tuổi để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Gọi là đạt miễn dịch cộng đồng khi có từ 70% dân số được chủng ngừa. Nói vậy mới thấy hết cái tầm quan trọng của việc “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” như thế nào.

Hiệu quả khi điều trị sớm

Chụp cắt lớp để xác định rõ bệnh.

Chụp cắt lớp để xác định rõ bệnh.

Nhiều bệnh, nếu như được khám, phát hiện và điều trị sớm thì kết quả sẽ vô cùng khả quan. Nói một cách khác, tiên lượng sẽ rất tốt cho người mắc bệnh. Điều này có nghĩa là người bệnh đã được chữa khỏi hoặc nhờ phát hiện sớm mà chức năng của các bộ phận liên quan chưa bị rối loạn. Hoặc nếu là ung thư thì các tế bào ung thư vẫn còn khu trú, chưa di căn xâm thực đến những cơ quan xa xôi trong cơ thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng.

Nói về tiên lượng bệnh, xin được đơn cử tiên lượng của bệnh ung thư vú ở quý chị em, là một bệnh thường hay gặp và là nỗi lo thường trực của hơn một nửa dân số trên khắp hành tinh xanh này, tất nhiên là chưa tính đến nỗi lo của quý mày râu riêng dành cho quý bà.

Các trường hợp ung thư vú được tầm soát khám phát hiện sớm thì việc điều trị thành công gần như là cho người bệnh một cuộc sống tương đối bình thường như bao người khác. Nhưng nếu phát hiện muộn, bắt đầu có di căn hạch ở nách thì tỉ lệ sống thêm sau 5 năm giảm còn khoảng 55% và sau 10 năm chỉ còn khoảng 30%.

Việc chị em đi khám định kỳ phát hiện sớm bệnh ung thư vú không khác nào việc bỏ ra “một đồng” để tiết kiệm được “bốn đồng” hay “bốn chục đồng” và thậm chí là bằng cả tính mạng quý báu mà mẹ cha và trời đất đã ban tặng cho mình.

Những phương tiện y tế cần có trong gia đình

Ngày nay, nhờ có đời sống và sự nhận thức cao hơn mà mỗi người, mỗi nhà đều có thể tự làm thầy thuốc ban đầu cho chính mình, người thân và bạn bè.

Trong nhiều gia đình, các trang bị y tế sau đây đã dần trở nên phổ biến như ống nhiệt kế, bộ đo huyết áp và thậm chí cả máy đo đường huyết ở những người bệnh đái tháo đường đang được điều trị tại nhà.

Nhiệt kế rất hữu dụng nhưng không phải gia đình nào cũng chuẩn bị sẵn. Đây là dụng cụ đo nhiệt độ của cơ thể, phổ biến là các ống nhiệt kế thủy ngân và đồ điện tử chạy bằng pin. Mọi người có thể sử dụng một cách nhanh chóng nhờ sự hướng dẫn của người bán, nhân viên y tế, người đã biết hoặc qua tài liệu hướng dẫn.

Nhờ có nhiệt kế mà người đo biết nhiệt độ của cơ thể là bình thường, gia tăng hay đang bị hạ thân nhiệt. Việc theo dõi nhiệt độ giúp cho việc uống thuốc và theo dõi được chính xác hơn. Nếu nhiệt độ giảm còn <350C thì phải tăng cường ủ ấm, sau khi thay thế tất cả các đồ bị ướt, cho uống nước trà gừng nóng để làm ấm cơ thể.

Nếu nhiệt độ gia tăng nhưng <38,50C có thể chưa cần phải dùng thuốc hạ sốt mà chỉ cần lau mát và quạt mát là được, việc uống thuốc hạ sốt là cần thiết khi nhiệt độ đo được ≥38,50C. Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 370C.

Bộ đo huyết áp cơ học hiện khá phổ biến và giá rẻ đang được nhiều gia đình mua về sử dụng. Loại này đòi hỏi phải có một chút kỹ năng sử dụng. Thường là người này đo cho người khác, tự đo cũng được nhưng khó khăn hơn máy đo huyết áp điện tử tự động dùng bằng pin.

Tại nhiều gia đình, nhất là các gia đình có người già hoặc mắc bệnh tăng huyết áp, máy đo huyết áp điện tử được ưa chuộng vì tính tiện lợi và gọn nhẹ. Người nhà hoặc người bệnh có thể đo mà không cần nhiều đến kỹ năng sử dụng, vì tất cả đều hiện lên một cách tự động trên màn hình của máy. Ngoài đo huyết áp, máy này còn đếm được nhịp tim trong một phút.

Máy đo đường máu là loại máy dùng để đo hàm lượng đường trong máu của người bệnh đái tháo đường. Nhờ đó mà điều chỉnh liều lượng thuốc uống hoặc tiêm cho phù hợp. Người bệnh hoặc người nhà có thể thực hiện việc đo theo như kỹ thuật được hướng dẫn trước.

Đây là kỹ thuật đơn giản mà mọi người đều có thể “bắt chước” làm một cách dễ dàng sau khi xem qua người hướng dẫn. Đường máu bình thường dao động trong mức 4,4 - 6,1mmol/l hoặc 80 - 100mg/dl tùy theo đơn vị đo của máy. Màn hình nhỏ sẽ hiển thị con số đường máu mà người đo cần biết.

Việc tiết kiệm để đầu tư và biết cách sử dụng một số trang thiết bị y tế như vừa nêu trên giúp cho bản thân hoặc người nhà an tâm hơn trong việc chăm sóc và theo dõi diễn biến của bệnh tại gia đình, không cần phải “cậy nhờ” các nhân viên y tế, mà đâu phải lúc nào cũng có thể có mặt được. Việc tự làm thầy thuốc gia đình trong một số tình huống như vậy là điều tốt và giúp cho cuộc sống được an vui, thoải mái hơn.

Có thể hôm nay bạn sẽ phải hy sinh “một đồng”, nhưng ngày mai bạn sẽ tiết kiệm được “bốn đống” hoặc bạn sẽ phải mất nhiều hơn “bốn đồng” để lo cho sức khỏe. Hãy luôn nhớ lời người xưa: “Một đồng không tốn, bốn đồng không đủ”, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.