Y tế dự phòng: Bức tường lửa bảo vệ sức khỏe cộng đồng

GD&TĐ - Theo quan niệm của nhiều người, y tế là khám chữa bệnh tại các cơ sở nhưng thực ra đây chỉ là một phần của hệ thống y tế (điều trị). Phần còn lại có tầm quan trọng không kém chính là dự phòng. 

Y tế dự phòng: Bức tường lửa bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Dự phòng được ví như bức tường chặn mọi tác nhân có hại với sức khỏe người dân. Và khi dịch bệnh xảy ra liên miên, đồng nghĩa với việc hệ thống dự phòng kém, người làm công tác điều trị sẽ phải căng mình đối phó.

Mô hình ngược

Cho đến thời điểm này, nhiều người dân vẫn mơ hồ với khái niệm y tế dự phòng bởi nhiều năm nay chúng ta chỉ quen với việc có bệnh thì đi viện điều trị. Thói quen ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người chứng tỏ thực trạng ngành Y tế mới quan tâm đến phần ngọn, tức là có bệnh thì điều trị còn việc làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng chưa thực sự được quan tâm, để ý.

Câu chuyện về dự phòng - điều trị dần thay đổi khi nhận thức của người dân tăng, mô hình bệnh tật thay đổi. Hiện người dân nước ta đang phải đối mặt với cả bệnh truyền nhiễm cũ, mới nổi và sự bùng phát của bệnh không lây nhiễm. Con số từ Bộ Y tế cho thấy, các bệnh viêm phổi, viêm họng và viêm amidan cấp, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản cấp, tiêu chảy, viêm dạ dày, ruột non có nguồn gốc nhiễm khuẩn, cúm, sốt rét, tai nạn giao thông, và các bệnh đường hô hấp… vẫn nằm trong tốp 10 bệnh nhiều người mắc ở nước ta.

Những bệnh liên quan đến viêm phổi, hệ thống hô hấp (kể cả lao), thai chậm phát triển, tai nạn giao thông, suy dinh dưỡng, rối loạn gắn liền với thai nghén và cân nặng không đủ khi sinh và các tổn thương hô hấp đặc hiệu khác của thời kì chu sinh chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Bên cạnh bệnh trên, tỷ lệ người hút thuốc, lạm dụng rượu bia, béo phì gia tăng tạo điều kiện bệnh không lây nhiễm bùng phát. Nhìn vào bức tranh sức khỏe của người dân hiện nay mới thấy các bệnh viêm, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và tai nạn giao thông vẫn là “kẻ thù” với sức khỏe người dân. Nếu chúng ta không có chiến lược dự phòng thì tỷ lệ người dân bị thần chết hỏi thăm sẽ còn tăng trong những năm tới. Lúc đó hệ thống cơ sở khám chữa bệnh rơi vào cảnh quá tải trầm trọng hơn hiện nay rất nhiều.

Đầu tư đúng

Sự phát triển của hệ thống bệnh viện cũng như các kỹ thuật hiện đại lâu nay chứng tỏ sự đầu tư ngược. Sự đầu tư trên nhằm đáp ứng nhu cầu người bệnh nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, cần có sự thay đổi bởi bệnh viện không thể xây thêm mãi, nghiên cứu khoa học cũng có điểm dừng nhất định. Lúc này, cần một tư duy mới, thay việc điều trị và chữa bệnh cho từng cá nhân là chính sang dự phòng bệnh cho cả cộng đồng.

Y tế dự phòng không chỉ quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng, mà còn liên quan trực tiếp đến các bệnh mãn tính như tim mạch, viêm khớp xương, đái tháo đường, cao huyết áp, tai biến, loãng xương, ung thư… Y tế dự phòng quan niệm rằng sự phát sinh các bệnh mãn tính là hệ quả của một quá trình tích lũy những rối loạn sinh lí qua phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ. Do đó, can thiệp vào các yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở quy mô cộng đồng. Vì thế, thành công của một chiến lược y tế dự phòng có thể đem lại lợi ích và hiệu quả cao hơn là thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế chỉ ra rằng, chỉ cần 50 - 70% dân số trong những vùng bị dịch tả (hay có nguy cơ cao, như các tỉnh phía Bắc hiện nay) uống vắc xin 2 lần một năm có thể giảm đến 90% số ca mắc.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, sự phát triển của hệ thống y tế dự phòng đồng nghĩa với việc nhiều dịch bệnh nguy hiểm được đẩy lùi như đậu mùa, bại liệt, sốt rét; loại trừ uốn ván sơ sinh đồng thời ngăn chặn thành công các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như Ebola. Đặc biệt việc khống chế thành công đại dịch SARS sau 45 ngày, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, đưa vắc xin miễn phí đến từng người dân, qua đó kiểm soát, loại trừ nhiều bệnh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em… là những thành công đáng ghi nhận.

Thành công của một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công của chiến lược y tế dự phòng cứu sống nhiều mạng người, có thể kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống... Nói vậy để tầm quan trọng của bức tường lửa y tế dự phòng. Để bức tường lửa này hoàn thành trọng trách của mình, đòi hỏi phải có sự đầu tư xứng đáng và được xã hội ghi nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ