Đừng để thần chết “đứng gác” nơi cổng trường

GD&TĐ - Trường hợp bé gái 11 tuổi ở Quảng Ninh không thể ăn uống suốt đời do uống nhầm axit khi mua đồ uống ở cổng trường khiến nhiều phụ huynh bất an. Vụ việc nối dài báo động về các nguy cơ mất an toàn nơi cổng trường như ma túy, bắt cóc, xâm hại tình dục, ngộ độc thực phẩm...

Ảnh minh hoạ: IT
Ảnh minh hoạ: IT

“Chợ cóc” nơi cổng trường

Đến trước cổng trường học, không khó bắt gặp những xe hàng rong bán đồ ăn vặt luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Khách hàng là những cô cậu học trò trước và sau giờ học.

Những xe hàng rong chứa đầy thức ăn đủ màu sắc trước cổng trường là hình ảnh quá quen không chỉ với học sinh mà với phụ huynh. Nó được mặc định như nét đặc trưng chốn cổng trường. Dần dần, cổng trường trở thành một “chợ cóc” rôm rả mỗi ngày. Thế nhưng, khâu an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm ở cái chợ cóc ấy thì thiếu kiểm soát.

Điểm danh các đồ ăn nhanh phục vụ các thượng đế thường có: Pho mai que, xúc xích rán, thịt hộp, thịt xiên nướng, nem chưa rán, bim bim… cả các đồ uống không nhãn mác với đủ màu xanh đỏ. Những mặt hàng này đều tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho sức khoẻ của trẻ.

Mặc cho những khuyến cáo về sự mất an toàn, các “nhà hàng di động” vẫn hút khách và “sống khoẻ”. Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam): “Hiện tượng này do thói quen thích ăn vặt giá rẻ của trẻ em. Đặc biệt, đầu tư ít mà mang lại lợi nhuận cao cho người bán hàng. Phụ huynh nói chung đều không muốn con em mình ăn quà vặt cổng trường. Tuy nhiên, sự bủa vây của hàng quán cùng giá “rẻ như cho” khiến trẻ em dễ dàng mua và chia sẻ với nhau”.

Nhiều phụ huynh thiếu ý thức về an toàn thực phẩm

Theo chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội), chuyện học sinh ăn quà vặt trước cổng trường rất phổ biến. Chị rất mong các quán hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh bị dẹp để tránh thu hút sự quan tâm của các cháu. Nhiều khi, các hàng quán còn gây tắc đường và mất vệ sinh do xả rác bừa bãi.

Chị Mai Hoa (quận Long Biên, Hà Nội) có 2 con là học sinh tiểu học và THCS. Ý thức được sự nguy hại của quà vặt cổng trường, vợ chồng chị thống nhất không cho con tiền và cơ hội có thể mua đồ ăn từ hàng rong. Tuy nhiên, đôi khi, đến đón con trễ giờ vài phút đã thấy con miệng tóp tép nhai thức ăn được chia sẻ từ bạn cùng lớp.

PGS.TS Phan Thị Sửu chỉ ra những nguy hại từ đồ ăn cổng trường cho sức khoẻ của trẻ như các bệnh về tiêu hóa, tiểu đường, tim mạch, ngộ độc thực phẩm, thậm chí là ung thư. Những nguy cơ này đến từ việc sử dụng sản phẩm chiên rán với dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần, các chất phụ gia không bảo đảm, hàng hóa thiếu nguồn gốc...

ThS.BS Trần Khánh Vân – Khoa Vi chất dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chỉ ra rằng, quà vặt cổng trường thu hút bởi nhiều lý do. Giá rất bình dân, tiện lợi vì ngay cổng. Được bày bán vào thời điểm các em đang đói bụng. Đồ ăn còn là lý do bạn bè thêm câu chuyện giao lưu, chia sẻ với nhau. Vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm trẻ em chưa quan tâm. Thậm chí một số phụ huynh cũng ý thức không đầy đủ. 

Dẹp hàng rong, đầu tư căng tin trường học

Bà Hứa Thu Huyền là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Bà cho biết, nhà trường có trách nhiệm quản lý và bảo đảm an toàn cho học sinh trong khung giờ và phía trong cánh cổng. Với trách nhiệm của mình, các trường học luôn tích cực tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về những mối nguy hại tiềm ẩn từ các món đồ ăn nơi quán hàng rong.

“Những người làm giáo dục rất mong các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý, giám sát. Dẹp bỏ những quán hàng và sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Có vậy mới giảm nguy cơ xảy ra những vụ việc đau lòng đối với học sinh”, bà Hứa Thu Huyền chia sẻ.

Bàn về giải pháp bảo vệ trẻ trước những nguy cơ từ những hàng quà vặt cổng trường, PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hạn chế cho con tiền tiêu vặt. Đồng thời, có cách quản lý khoa học để trẻ vừa rèn được kỹ năng quản lý tài chính vừa sử dụng đồng tiền bố mẹ cho một cách hợp lý và an toàn.

“Phụ huynh hãy dạy con quan sát trên bao bì các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, cơ sở nào sản xuất, thành phần như thế? Có được các thông số trên, có thể khẳng định đến 90% sản phẩm có bảo đảm an toàn hay không. Hãy dạy trẻ nói “không” với quà vặt và đồ chơi nơi cổng trường. Tăng cường tuyên truyền hiểm họa từ đồ ăn, chơi bán rong. Cùng với đó, trường học có thể mở căng-tin bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường để phục vụ nhu cầu của học sinh”, PGS.TS Phan Thị Sửu lưu ý.

Để hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, trước tiên phải bắt đầu từ mỗi gia đình trong việc hướng dẫn trẻ ý thức cảnh giác với các sản phẩm không nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng. Quản lý chặt chẽ việc chi tiêu của con em mình.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng trật tự đô thị, quản lý thị trường cần quyết liệt vào cuộc để giải quyết triệt để tình trạng “chợ cóc” nơi cổng trường. Có sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và nhà trường mới mong thần chết không còn “đứng gác” nơi cổng trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ