Trường học vào cuộc cản dòng nước cuốn đi tuổi thơ

GD&TĐ - Nhiều trường học đã chủ động tuyên truyền, phối hợp với chính quyền, đoàn thể trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn dưới nước...

Lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui (Đăk Hà, Kon Tum) phòng, chống đuối nước. Ảnh: Trúc Hân
Lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn học sinh Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui (Đăk Hà, Kon Tum) phòng, chống đuối nước. Ảnh: Trúc Hân

Chưa chính thức bước vào kỳ nghỉ hè nhưng lại là thời điểm nguy cơ đuối nước với học sinh cao bởi thời tiết nắng nóng, các em nảy sinh nhu cầu tắm, vui chơi ở khu vực sông suối, ao hồ. Nhận thấy nguy cơ này, nhiều trường học đã chủ động tuyên truyền, phối hợp với chính quyền, đoàn thể trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng phòng tránh và ứng phó với tai nạn dưới nước.

Những cú trượt chân oan nghiệt

Thời điểm nắng nóng đầu mùa trở thành “điểm rơi” của nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Thời tiết oi bức, các em nhỏ, nhất là học sinh tiểu học và THCS, thường tìm đến sông, hồ, ao, đập để giải nhiệt, trong khi phụ huynh chưa kịp nâng cao cảnh giác. Sự chủ quan ấy phải trả giá bằng sinh mạng của các em.

Ngày 19/4/2025, người dân thôn Nam Ngọc, xã Xuân Yên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bàng hoàng khi phát hiện em N.Q.B. - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Xuân Yên bị đuối nước tại bờ lạch giáp ranh thị trấn Tiên Điền. Dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng em đã không qua khỏi. Trước đó, ngày 23/3, em N.A.K. - học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hương Trà (Hương Khê, Hà Tĩnh) tử vong khi đi câu cá tại hồ nước thôn Đông Trà cùng bạn bè.

Theo số liệu từ ngành chức năng, từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 6 vụ đuối nước khiến 6 em tử vong. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Tĩnh, mà còn báo động ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đầu năm 2025, tại địa phận thôn Kroong Ktu, xã Kroong (TP Kon Tum, Kon Tum), bé 2 tuổi và học sinh 11 tuổi đã vĩnh viễn không trở về sau cú trượt chân oan nghiệt.

Những tai nạn trên dù được cảnh báo thường xuyên nhưng thêm một lần nhắc nhở, cảnh tỉnh các nhà trường, phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục kỹ năng tự phòng vệ cho học sinh bởi đa số còn thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, tự ý đi tắm sông, biển, hồ, đập, suối… hoặc thiếu sự giám sát của người lớn khi đi đến nơi có nguy cơ đuối nước.

dung-de-nuoc-cuon-di-tuoi-tho-1.jpg
Đoàn xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thực hiện cắm biển cảnh báo tại các ao, hồ, sông, suối. Ảnh: Phương Hồ

Phòng ngừa từ kỹ năng và nhận thức

Trước thực trạng đáng lo ngại, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh và một số tỉnh Tây Nguyên đã chủ động tăng cường tuyên truyền, tổ chức các chương trình giáo dục phòng, chống đuối nước, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt thời điểm sắp bước vào kỳ nghỉ hè.

Đầu tháng 4, Trường THCS Sông Trí (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phối hợp cùng ngành chức năng tổ chức buổi tuyên truyền cho hơn 1.600 học sinh về tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước. Các em được quán triệt nguyên tắc 3K: “Không xuống nước khi không biết bơi”, “Không đi bơi khi không có người lớn” và “Không chơi đùa gần sông, hồ, ao”.

Thông qua các tình huống giả định, học sinh được hướng dẫn quy trình thực hành sơ cấp cứu cho người bị tai nạn đuối nước nhằm tăng khả năng phản ứng và giảm áp lực trong tình huống khẩn cấp, hạn chế xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

Tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh), chuyên đề ngoại khóa “An toàn dưới nước - Kỹ năng sống còn” không khô khan lý thuyết mà được sân khấu hóa bằng tiểu phẩm “Còn đó nỗi lo” của học sinh lớp 11A6 tái hiện vụ tai nạn đuối nước do chủ quan và thiếu kỹ năng. Sau phần tiểu phẩm, học sinh tham gia trả lời câu hỏi, thảo luận sôi nổi về nguyên nhân, hậu quả của đuối nước, cũng như các kỹ năng cần thiết khi bơi lội. Những kiến thức bổ ích được truyền tải qua hình thức hỏi đáp, thực hành cứu đuối và trải nghiệm kỹ thuật bơi.

Đặc biệt, tại buổi chuyên đề học sinh được hướng dẫn các kỹ thuật bơi qua trò chơi “Thi bơi trên cạn”. Trò chơi diễn ra sôi nổi với sự tham gia của đại diện khối 10, 11, 12. Các em đã thể hiện kỹ thuật bơi đa dạng như bơi ếch, bơi trườn sấp, bơi ngửa… dưới sự hướng dẫn, nhận xét của giáo viên dạy bơi nhiều năm kinh nghiệm.

“Chuyên đề ngoại khóa “An toàn dưới nước - Kỹ năng sống còn” không chỉ trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về phòng chống đuối nước, mà còn khơi dậy tinh thần cảnh giác, trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng trong môi trường nước. Các em hãy luôn ghi nhớ sự chủ quan có thể trả giá bằng mạng sống, còn sự cẩn trọng và hiểu biết sẽ giúp chúng ta có một mùa Hè an toàn, trọn vẹn niềm vui”, ông Phan Quang Tấn - Hiệu trưởng nhà trường nhắn nhủ.

Cùng với Hà Tĩnh, nhiều trường vùng sâu, xa tại Tây Nguyên cũng đặc biệt coi trọng công tác giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước. Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui (Đăk Hà, Kon Tum), trước mỗi kỳ nghỉ hè, giáo viên chủ nhiệm đều nhắc nhở học sinh tuyệt đối không ra sông, suối tắm, vui chơi nếu không có người lớn đi cùng. Khi di chuyển bằng thuyền, bè trên sông, phải mặc áo phao đúng cách.

Thầy Lê Văn Ân - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Ui cho biết: Hằng tuần, trong tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường lồng ghép các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống đến học sinh. Trước kỳ nghỉ hè, trường phối hợp Công an xã Đăk Ui tổ chức buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Tại buổi truyền thông, cán bộ công an xã sử dụng tình huống thực tế, hình ảnh minh họa sinh động để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Các em được tìm hiểu nguyên nhân đuối nước, cách nhận biết nơi nguy hiểm, kỹ năng sơ cứu, sử dụng áo phao và dụng cụ cứu sinh. Nhiều em tích cực đặt câu hỏi, tham gia xử lý tình huống giả định.

“Hoạt động này được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn cho tính mạng của học sinh. Đồng thời trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ trong những tình huống nguy hiểm”, thầy Ân nói.

dung-de-nuoc-cuon-di-tuoi-tho-3.jpg
Học sinh Trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) thể hiện tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống đuối nước. Ảnh: Phương Hồ

Để mùa Hè ý nghĩa

Ở xã Krong (Kbang, Gia Lai), Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám nằm gần sông Ba và suối Krong. Toàn trường có 496 học sinh, trong đó hơn 80% người Ba Na. Với 184 học sinh bán trú, giáo viên thay phiên nhau quản lý, trông coi, tránh việc học sinh tự ý ra suối tắm, đùa nghịch.

“Cuộc sống người dân gắn liền với sông, suối nên các em thường ra tắm mỗi khi trời nóng. Dù đa số được phụ huynh dạy bơi từ nhỏ, nhưng nhà trường luôn nhắc nhở các em phải cẩn trọng, không chủ quan.

Biết bơi rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Trẻ cần được trang bị thêm kiến thức an toàn trong môi trường nước, cách nhận diện nguy cơ và kỹ năng cứu hộ cơ bản. Đơn vị cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tuyên truyền, nhắc nhở và quản lý học sinh để những ngày hè thật sự ý nghĩa”, ông Trần Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Lê Văn Tám nói.

Cùng với công tác tuyên truyền, tại Hà Tĩnh, nhiều mô hình dạy bơi miễn phí được triển khai hiệu quả, góp phần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Tiêu biểu, Công an xã Hương Liên (huyện Hương Khê) phối hợp với Đoàn Thanh niên và Đồn Biên phòng Bản Giàng tổ chức lớp học bơi miễn phí cho 20 học sinh dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Các em được hướng dẫn kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng cứu đuối và cách giữ an toàn trong môi trường nước.

Tại các huyện Can Lộc, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)…, hàng trăm lớp học bơi “0 đồng” được tổ chức cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những hoạt động thường niên, vừa giúp các em rèn luyện sức khỏe, vừa trang bị kỹ năng sống thiết yếu để phòng tránh tai nạn đuối nước, tạo sân chơi bổ ích, an toàn.

Ngoài ra, các ngành chức năng như công an, đoàn thành niên các địa bàn cũng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ đuối nước trong dịp hè như: Cắm biển cảnh báo tại các khu vực nước sâu nguy hiểm; xây dựng các điểm phao cứu sinh...

Sự chủ động của các địa phương trong việc triển khai hoạt động tuyên truyền về phòng, chống đuối nước ở trẻ em ngay những ngày đầu hè kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước ở học sinh, để mùa Hè thực sự là khoảng thời gian ý nghĩa và đáng nhớ của các em.

Trước tình trạng nhiều học sinh tử vong do đuối nước từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học và đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Cùng đó, các trường thực hiện hiệu quả nội dung: Triển khai văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường tuyên truyền trong giờ chào cờ, tiết học cuối buổi; phối hợp với phụ huynh nhắc nhở học sinh; chủ động phối hợp tổ chức lớp học kỹ năng sống, lớp học bơi.

Sở cũng yêu cầu phòng GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng phương pháp dạy bơi cho giáo viên. Trong thời gian tới, sở GD&ĐT sẽ tổ chức khóa bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy bơi cho giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gia đình anh Nguyễn Hải Đăng nuôi dạy cả 2 con theo phương pháp “mỗi người một ngôn ngữ”. Ảnh: NVCC.

Đừng để học ngoại ngữ trở thành 'gánh nặng'

GD&TĐ - Thành thạo ngoại ngữ được coi là một lợi thế quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp. Nhận thức được điều đó, nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con học ngoại ngữ từ khi còn nhỏ.

Ứng Lăng - công trình lăng tẩm tốn kém của Khải Định. Ảnh: ITN.

Cuộc đời bi kịch của vua Khải Định

GD&TĐ - Những 'thói hư tật xấu' đã biến Khải Định thành ông vua bị người đời nguyền rủa, khiến cho cuộc đời của vua Khải Định trở nên trớ trêu...