Đừng để mất con trên thế giới ảo

GD&TĐ - Ngày 27/11, học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) đã được học tập với chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với những nội dung tưởng “ai cũng biết”

Học sinh toàn trường THCS Nguyễn Du thường xuyên tham gia những buổi học kỹ năng bổ ích như thế này.
Học sinh toàn trường THCS Nguyễn Du thường xuyên tham gia những buổi học kỹ năng bổ ích như thế này.

Để học sinh không lệch chuẩn khi dùng mạng xã hội

Buổi tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và kỹ năng sử dụng mạng xã hội có sự tham gia của gần 400 học sinh các khối toàn trường và các thầy cô giáo của THCS Nguyễn Du.

Bằng những kinh nghiệm nhiều năm điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, trung tá Đào Trung Hiếu đã phân tích những nguy cơ, hiểm họa của việc học sinh chìm đắm trong thế giới ảo, đặc biệt là Facebook như hiện nay. Theo ông, để không biến mình trở thành miếng mồi ngon của những kẻ xấu trên Facebook, học sinh cần phải có những kỹ năng sử dụng thông minh như: tuyệt mật  với những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, …

Nhiều vụ lừa đảo diễn ra một cách dễ dàng bởi thủ phạm luôn nắm rõ được các hoạt động của các em học sinh khi lợi dụng vào tâm lý lứa tuổi mới lớn thích thể hiện cái tôi, nên đi đâu, làm gì cũng cập nhật trên mạng xã hội. Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh đến kỹ năng “chọn” bạn trên thế giới ảo, phòng chống những nguy cơ bị bắt cóc, lừa đảo từ trong trứng nước đối với lứa tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới.

 Chuyên gia khuyên các em hãy “khám” tường của bạn bè trên Facebook rồi mới chấp nhận kết bạn, hãy biết nghi ngờ những nick không có ảnh thật, không có một hoạt động gì để ta biết thêm về họ. Hãy hướng tới việc giao lưu, tương tác với nhau “trên mặt đất” chứ không chỉ bằng những tin nhắn qua lại, bởi sử dụng quá nhiều mạng xã hội còn dễ khiến trẻ em mắc nguy cơ về trầm cảm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Cũng theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, cần phải kiểm soát chặt chẽ học sinh trong việc dùng mạng xã hội, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, đứa trẻ nào cũng có smart phone. Cha mẹ và thầy cô nên giới hạn thời gian lên mạng của các con, chỉ trong một giờ nhất định, ngoài ra cần luôn theo sát các con để kịp thời điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn, những cách ứng xử thiếu lịch sự giữa các con trên thế giới ảo.

Chuyên gia Đào Trung Hiếu minh họa bằng tình huống bị bạo lực cụ thể
 Chuyên gia Đào Trung Hiếu minh họa bằng tình huống bị bạo lực cụ thể

Cô Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Buổi học kỹ năng này là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường theo định kỳ mỗi tháng một lần. THCS Nguyễn Du luôn hướng đến phát triển toàn diện kỹ năng cho các con, tuyệt đối nói không với những “chú gà công nghiệp” hay “mọt sách”. Chúng tôi tin học sinh sẽ học tập được nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để tự biết cách bảo vệ mình”.

Chuyện cũ vẫn nhức nhối

Cũng nằm trong buổi chia sẻ của chuyên gia Đào Trung Hiếu, các học sinh trường THCS Nguyễn Du được trang bị kỹ năng phòng chống bạo lực học đường – một câu chuyện cũ nhưng luôn nhức nhối với bất kỳ nhà trường nào.

Theo ông, để tránh những hậu quả của bạo lực học đường, các em cần chủ động ứng phó ngay từ khi có dấu hiệu mình hoặc bạn bè sắp bị bạo lực. Trung tá cung cấp những chiêu “liệu cơm gắp mắm” cho các em khi phải đối diện với bạo lực: tìm sự giúp đỡ của thầy cô, tránh mặt đối tượng, phải biết thoát thân khi bị bao vây. Đặc biệt, đừng tỏ ra sợ hãi hay yếu đuối khi gặp những kẻ thích “thể hiện sức mạnh cơ bắp” bởi chúng cũng có những nỗi sợ.

Học sinh thích thú đặt nhiều câu hỏi cho chuyên gia
 Học sinh thích thú đặt nhiều câu hỏi cho chuyên gia

Một trong những bài học đầu tiên của việc bị bạo lực học đường là không được đứng im chịu đòn như nhiều em trong các clip vụ việc tương tự diễn ra. Các em cần phải chủ động phòng vệ, bảo toàn bản thân khỏi những tình huống nguy hiểm như bị đánh hội đồng. “Hãy biết chống cự, hãy biết chạy đến những nơi gần nhất như công sở, đồn công an, hay bất cứ tiệm tạp hóa hoặc siêu thị, nơi có bảo vệ để cầu cứu”.

Em Nguyễn Hà My, lớp 7A1 trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: “Con rất thích những buổi học kỹ năng như thế này vì nó rất thiết thực với học sinh. Con được biết thêm những cách xử lý thông minh khi gặp những tình huống nguy hiểm với bản thân và các bạn”.

“Hãy dạy con trưởng thành với đầy đủ kiến thức và kỹ năng” – chuyên gia Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.