Đừng để bia đá vỡ oan!

GD&TĐ - Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có tới 16 vụ vi phạm xây dựng trong vùng đệm và vùng lõi Tràng An.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tại cuộc hội thảo quốc tế của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam ngày 30/9, các chuyên gia cho rằng cần cải thiện các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý để bảo vệ giá trị di sản, bảo vệ danh hiệu đã được công nhận.

Từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã tận dụng thời cơ quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy du lịch... nhưng việc quản lý di sản lại bộc lộ nhiều điểm yếu, tồn tại nhiều quy định lỗi thời, thiếu hành lang pháp lý thống nhất để quản lý các khu di sản.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cho biết, vấn đề quản lý di sản tư liệu hiện vẫn chưa được quy định vào trong nội dung của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Lãnh đạo Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cho rằng, mô hình “Hợp tác công - tư” trong quản lý và phát huy di sản là phương pháp phát huy giá trị di sản bền vững nhất.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp và người dân đặt nhiều mục đích phát triển kinh tế cao hơn so với bảo tồn. Các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo tồn di sản như sử dụng đất đai, xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản có vi phạm kéo dài nhưng chưa thể xử lý triệt để.

Thực tế, việc xâm phạm di sản đã không còn là chuyện hiếm. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, đã có tới 16 vụ vi phạm xây dựng trong vùng đệm và vùng lõi Tràng An. Điều đáng nói là các vi phạm này vẫn diễn ra, trong khi trước đó đã có nhiều vụ xâm hại di sản đã bị tỉnh Ninh Bình xử lý.

Cần cải thiện các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế quản lý để bảo vệ giá trị di sản, bảo vệ danh hiệu đã được công nhận. Vậy các vấn đề mà hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện mà vẫn không bảo vệ được di sản thì làm thế nào?

Câu chuyện tấm bia đá tứ diện chùa Thổ Hà (Bắc Giang) mới đây, bị vỡ thành hai khúc trong quá trình cẩu lên để tôn nền sân chính là câu chuyện rõ rệt nhất trong việc bảo vệ di sản.

Điều đó chứng tỏ ngay cả khi, hành lang pháp lý đã hoàn thiện thì di sản vẫn bị xâm phạm như thường. Cho nên vấn đề ở đây chính là trách nhiệm của đơn vị giám sát và thực thi pháp luật, trong việc gìn giữ và bảo tồn di sản.

Nếu như kiên quyết chống lại hành vi xâm phạm di sản ngay từ ban đầu, thì Tràng An đâu phải đối mặt với thực trạng “vi phạm kéo dài nhưng chưa thể xử lý triệt để”. Và nếu như các cơ quan có trách nhiệm ngay từ khâu chọn lựa đơn vị trùng tu, thì đâu đến nỗi tan nát tấm bia đá cổ ở chùa Thổ Hà.

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản là cần thiết. Tuy nhiên, điều cần thiết hơn tất cả là trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân được giao để bảo vệ di sản đó.

Cho nên, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thì cũng phải xem xét trách nhiệm về mặt con người – để cho tấm bia đá kia, chí ít cũng không phải vỡ oan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…