Lan tỏa giá trị di sản

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mục tiêu của chương trình là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia… góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nhiệm vụ chủ yếu của chương trình là tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử -văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu.

Cụ thể, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, 6 di tích khảo cổ tiêu biểu, 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp.

Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng. Các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn lực di sản văn hóa.

Ngoài ra, chương trình còn có các giải pháp liên quan đến nhận thức pháp luật về di sản, đẩy mạnh xã hội hóa, giám sát sử dụng nguồn lực… nhằm phục vụ tốt nhất việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Có thể khẳng định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là niềm vui đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa, mà còn góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh và có sự phân biệt rõ ràng giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Mà cả hai lĩnh vực này, hiện nay Việt Nam đang rất yếu và bộc lộ nhiều hạn chế.

Hội An là một ví dụ điển hình về “di sản sống”, di sản mà hơn 90% là sở hữu tư nhân. Nhà dân ở nên khi xuống cấp là phải sửa, không thể chờ. Mà sửa là phải cấp phép, không thể như các di tích khác khi xuống cấp có thể che chắn, nghiên cứu rồi từng bước tìm vốn.

Ngay việc tiến hành tôn tạo, nhiều di tích trở nên “mới hóa”, méo mó và mất đi bản sắc. Người ta sẵn sàng tô sơn lên bức tường rêu phong, lắp cổng nhôm đúc vào di tích nghìn năm tuổi.

Bảo tồn di sản đã là một bài toán nan giải, phát huy lan tỏa giá trị của di sản còn khó hơn nhiều lần. Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại hóa như hiện nay thì di sản không chỉ biến tướng mà còn dễ dàng bị xâm phạm.

Thế nên, song hành với “Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam”, chúng ta cần hoàn thiện các quy định liên quan. Thậm chí, cần đề án rạch ròi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị cho từng di sản, từng di tích.

Việc phân tầng – cấp quản lý cũng cần rõ ràng, tránh chồng chéo vì chẳng may, khi di sản bị xâm phạm chẳng cấp nào dũng cảm đứng ra chịu trách nhiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.