Đừng đẩy việc giáo dục con cho nhà trường

GD&TĐ - Gia đình là một trong những môi trường có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, đặc biệt đối với trẻ trong độ tuổi trước lúc đi học và tuổi mới lớn. Thế nhưng, nhiều gia đình đang xem nhẹ giáo dục gia đình, thả nổi việc GD con cái cho nhà trường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gia đình - Bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp

Nói về vai trò của gia đình trong GD đạo đức cho thế hệ trẻ, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hội Khoa học tâm lý GD Việt Nam cho biết: Gia đình là nơi trực tiếp quản lý, nuôi dưỡng trẻ ngay từ khi trẻ cất tiếng khóc chào đời. Gia đình là nơi hướng dẫn trẻ biết suy nghĩ về điều hay, lẽ phải cần phải thực hiện trong cuộc đời.

Nếu chẳng may gia đình nào không chú ý và không làm được điều này thì con trẻ sẽ hỏng, như một cây con không được uốn, mọc cong và sau này cũng cứ cong mãi mà không tài nào uốn thẳng được.

Có thể nói một cách hình ảnh, gia đình tựa hồ như một phễu lọc, chọn lựa đào thải thông tin, cung cấp cho trẻ những chuẩn mực thông tin cần có.

Bất kỳ đứa trẻ nào cùng vậy, từ khi sinh ra, bắt đầu nhận thức được cái tôi của mình thì bố mẹ là cái gương phản chiếu mà nó luôn soi vào. Bố mẹ là hình mẫu lý tưởng mà trẻ luôn ngưỡng mộ, bắt chước. Vấn đề là cái gương đó nên thế nào? Gương sáng hay mờ, điều này hoàn toàn do bố mẹ quyết định.

Chúng ta cũng tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (20/2/1990). Một năm sau, năm 1991, nước ta đã ban hành Luật Bảo vệ - Chăm sóc - Giáo dục trẻ em và Luật Phổ cập GD tiểu học.

Theo Công ước và các Luật đã được ký kết, tất cả các tổ chức xã hội và gia đình, những người lớn đều phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Chức năng GD con cái về mặt pháp lý cũng được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 1992). Rõ ràng về mặt pháp lý và tình cảm đều nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu được của bố mẹ trong gia đình tác động đến hiệu quả GD con cái.

Đề cao vai trò của gia đình, PGS.TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Gia đình là một trong những môi trường có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, đặc biệt đối với trẻ trong độ tuổi trước lúc đi học và tuổi mới lớn.

Trong các nhân tố tác động từ phía gia đình, tính tự phát và GD thường xuyên có ý nghĩa hết sức rõ ràng và được nhấn mạnh, đó là hình thức rất sống động và tạo ra hiệu quả lớn lao trong GD gia đình.

Mặt khác tính chất thiêng liêng trong quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và thôi thúc các đối tượng tự “hấp thụ” các giá trị gia đình một cách hiển nhiên. Với những đặc điểm như vậy, gia đình cần có những quy tắc, những chuẩn mực phản ánh giá trị của mình để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp”.

“Trời sinh voi, trời sinh cỏ”?

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng: Hiện nay, còn tồn tại nhiều quan niệm không đúng về vai trò quan trọng của gia đình, cha mẹ trong việc GD con cái. Trên thực tế, xã hội nói chung và các gia đình nói riêng đã vô tình “bỏ xổng” một mảng rất quan trọng là GD gia đình.

Không ít bậc cha mẹ tự đánh mất đi vai trò ảnh hưởng của mình đối với trẻ, tự động rút lui ra khỏi vũ đài, tự phủi trách nhiệm GD, bỏ mặc trẻ theo kiểu trời sinh voi, trời sinh cỏ. Có bố mẹ lại đẩy trách nhiệm GD cho nhà trường.

Khảo sát điều tra hơn 1.000 gia đình có con đang học tiểu học và THCS, đã có 7,2% cha mẹ quan niệm việc GD con cái là do nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm, gia đình chỉ chịu một phần nhỏ.

Trên thực tế, những số liệu thu được từ nhiều nguồn nghiên cứu khác nhau đã cho thấy, có tới 25,5% các bậc cha mẹ thừa nhận đã khoán trắng việc GD con cái cho nhà trường. Thả nổi việc GD con cái, đến khi con cái mắc khuyết điểm lại phạm vào tội che giấu khuyết điểm của con.

PGS.TS Đinh Phương Duy cho rằng, cơ chế thị trường và tác động của xã hội hiện đại đang có những biến động làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, thậm chí xa cách, có thể dẫn đến sự khủng hoảng trong GD gia đình.

Có thể nói việc nới lỏng kiểm soát của gia đình đối với trẻ em có nguy cơ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn của trẻ. Hiện tượng trẻ lang thang, phạm pháp hoặc rơi vào các tệ nạn xã hội là hậu quả của quan hệ lỏng lẻo giữa cha mẹ và con cái.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở tuổi thiếu niên thông thường cũng đã có nhiều khó khăn do sự biến đổi tâm sinh lý phức tạp của lứa tuổi này và những tác động GD không thích hợp của cha mẹ.

Bắt đầu từ gia đình và kết thúc từ gia đình

Theo PGS.TS Đinh Phương Duy, hãy bắt đầu từ gia đình và kết thúc từ gia đình được xem là vòng luân chuyển GD rất hiệu quả. GD con cái không chỉ bằng lời nói suông mà thông qua những việc làm cụ thể của cha mẹ và người thân thuộc trong gia đình.

Hiệu quả cao nhất của việc GD bằng lời chỉ có thể đạt được khi bản thân cha mẹ thực hiện tốt những gì mình đã nói và đang nói.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cũng cho rằng, bố mẹ cần làm gương cho con. Một khi bố mẹ không gương mẫu trong cư xử, trong nói năng với nhau và với mọi người xung quanh, thì đó là một điều vô cùng tai hại tới GD trẻ.

Bố mẹ cũng phải biết thống nhất trong việc GD con cái. Sự thống nhất này là một áp lực vô cùng cần thiết để trẻ quyết tâm sửa chữa lỗi lầm của mình.

Phương pháp GD trẻ phải xuất phát từ việc tiếp cận hoạt động, nhân cách, tức là thông qua hoạt động cụ thể mà trang bị nhận thức, gây biến đổi xúc cảm và hình thành hành vi đạo đức tích cực của trẻ. Phải để cho trẻ tự lập, biết làm các việc tự phục vụ mình và tham gia vào công việc phục vụ chung cho cả gia đình theo độ tuổi.

Là cha mẹ, phải biết lắng nghe trẻ. Cha mẹ hãy dành thời gian, tâm lực, sức lực, tâm trí cho con cái. Biết nói chuyện tâm tình với con. Khi con trẻ có ý kiến mới lạ, hãy đừng vội mắng, quở trách.

“Mỗi lứa tuổi có những đặc điểm tâm lý, xã hội nhất định và ảnh hưởng đến quá trình nhận thức, thể hiện thái độ và biểu hiện hành vi của các chủ thể.

Thông qua tổ chức các hoạt động đa dạng phù hợp với đặc trưng tâm lý lứa tuổi trong mối quan hệ mật thiết giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ góp phần định hướng hành vi lành mạnh, hình thành những giá trị tích cực từ những công dân tốt”, PGS.TS Đinh Phương Duy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.