PV: Tình trạng học sinh tuổi teen bi quan, tìm đến con đường tự tử có phải do các em hiện đang thiếu môi trường rèn luyện thử thách để đủ sức vượt qua mọi “chông gai, bão táp” của cuộc đời, thưa ông?
ThS Phạm Phúc Thịnh: Theo tôi, sự việc trên cho chúng ta thấy rõ một điều, con em chúng ta quá mong manh “dễ vỡ”. Các em không được rèn luyện bản lĩnh để đối đầu với mọi sự rủi ro, thất bại.
Các em không được giáo dục để hiểu được “thất bại là mẹ thành công”. Bên cạnh đó, việc tiết kiệm các lời khen trước những thành công dù nhỏ nhất của các em - cũng là một vấn đề nhà trường và gia đình cần xem xét lại.
Nếu đọc trên mạng xã hội, trên báo chí ngày nay và thử làm một thống kê nho nhỏ, có thể thấy tỉ lệ những lời khen nức nở, những dòng status có cánh tràn ngập khắp các nơi (nhất là sau những kỳ thi Olympic, Học sinh giỏi, cuối học kỳ, cuối năm) v.v…
Những lời khen đó, vô tình đã làm cho các em có đôi chút ảo tưởng về năng lực thật của bản thân, tạo cho các em thói quen cảm nhận cuộc sống chỉ toàn hoa hồng và đôi lúc tạo nơi các em ảo tưởng mình là số 1 - thậm chí là số một La Mã - để rồi khi vấp phải một thất bại - dù nhỏ - các em cũng cảm thấy sốc vì hóa ra mình không phải như lâu này vẫn tưởng.
Hóa ra ngoài mật ngọt thì vẫn có vị café đắng - thậm chí rất đắng - mà các em không lường trước để chuẩn bị tư thế đón nhận điều đó.
Vì thế các em cảm thấy chới với khi bị rơi tự do từ “đỉnh cao” xuống “vực sâu”, cảm thấy tuyệt vọng khi nhận ra mình không là gì cả. Sốc về mặt tâm lý, mất đi sự tự tin vào bản thân, mặc cảm có lỗi với những người lâu nay vẫn tin tưởng vào tài năng của mình… Các em cảm thấy mọi thứ “sụp đổ”, chẳng còn gì để đáng sống và đã chọn lựa giải pháp tiêu cực
@ Để tránh xảy ra những vụ tự tử - mà đối tượng là HS tuổi mới lớn, theo ông, vai trò của gia đình phải như thế nào?
-Theo tôi, người lớn chúng ta cần có sự cân bằng cần thiết trong vấn đề giáo dục con em của mình, không thái quá, cần cư xử đúng mực trong mọi việc. Đó chính là thái độ trung thực, nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương, hy vọng trước mọi thành công hay thất bại của con em mình.
Trước đây vài chục năm, chúng ta quá thiên về giáo dục khắt khe theo khuynh hướng “yêu cho roi cho vọt”, vì thế chúng ta e ngại việc khen các em, sợ rằng các em sẽ kiêu căng, tự mãn …
Do đó, chúng ta rất hạn chế khen các em và vô tình tạo nên một thế hệ trẻ tự ti với bản thân, thiếu đi sự tự tin cần thiết, khi bước ra thế giới rộng lớn phúc tạp, bên ngoài.
Nhưng đồng thời, vô tình chúng ta cũng tạo nên một thế hệ trẻ “dạn dày sương gió”, coi thất bại là chuyện thường tình và đón nhận các vấp ngã đầu đời với tâm lý “mình vốn dĩ là thế”.
Ngược lại, trong thời gian gần đây, do tác động của những kiến thức “tâm lý học nửa vời”, chúng ta lại có khuynh hướng quá thiên về động viên khen thưởng, tìm mọi cách để khen con em của chúng ta ngay cả khi chẳng có gì đáng khen.
Điều này có tác động tốt là giúp các em tự tin hơn vào bản thân, nhưng vô tình chúng ta lại tạo ra một thế hệ trẻ mong manh về tinh thần, “dễ vỡ” trước áp lực của những cảm xúc tiêu cực, các em ít được chuẩn bị tinh thần để đối đầu với những thất bại gặp phải.
Vì vậy, để giúp cho HS mới lớn có được một nền tảng tâm lý vững vàng, tự tin, năng động, đồng thời không bị sốc trước những thất bại của cuộc sống, cần có sự cân bằng giữa khen và chê, khen đúng mức và chê đúng liều lượng.
Cần cho các em uống “mật ngọt” nhưng thỉnh thoảng cũng cần cho các em được biết đến “vị đắng của café không đường”, để các em hiểu sâu sắc câu nói của ông bà xưa: “Thất bại là mẹ thành công”.
@ Ông có những lời khuyên gì giúp các bạn trẻ vượt qua những áp lực từ cuộc sống và chiến thắng mọi khó khăn thử thách để không phụ lòng cha mẹ và thầy cô?
- Với các bạn trẻ, tôi xin phép được có một sự chia sẻ nhỏ như sau: Việc học tập, rèn luyện tiếp thu tri thức là việc của chính bản thân các bạn, chứ không phải các bạn làm để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ.
Thái độ tiếp cận một cách nghiêm túc những thành công, thất bại trong mọi việc của cuộc sống là thái độ các bạn cần rèn cho bản thân mình.
Không quá lạc quan với những thành công có được, nhưng cũng không quá bi quan khi gặp thất bại. Các bạn cần hiểu rõ không một ai đi đến thành công, mà không phải vượt qua những thất bại cay đắng.
Vậy thì hãy bình thản tiếp nhận thành công, tiếp nhận thất bại của cuộc sống như vốn dĩ đó là điều phải có. Để rồi sau những thành công, thất bại đó, bình tĩnh suy xét trả lời câu hỏi “điều gì cần rút ra từ sự việc này”, bình thản bước tiếp những bước đi tiếp theo, để lại sau lưng những thành công, thất bại đã qua.
Hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn, nếu bạn biết vượt qua những khiếm khuyết của bản thân, những thất bại bạn đã gặp, thay vì “vác” chúng theo trong suốt cả đời. Có như vậy các bạn trẻ sẽ không còn bị những áp lực đè nặng - để rồi rơi vào tuyệt vọng không lối thoát. Không ai có thể sống thay cuộc đời của bạn, ngoài chính bản thân các bạn.
@ Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.